1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công ty giảm lương, nhân viên trăn trở ở lại hay ra đi

Đặng Dương

(Dân trí) - Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lương của người lao động. Trước tình hình này, sau khi cân nhắc, có nhân viên xin nghỉ việc, có người ở lại trong hàng ngũ vượt "bão".

Nghỉ việc khi quyền lợi không đảm bảo

Gần 2 tháng trôi qua, Phạm Thu Trang (27 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TPHCM) vẫn chưa tìm được công việc mới. Số tiền tiết kiệm phòng bất trắc cũng đã sử dụng gần hết. Trang chật vật duy trì cuộc sống trong những ngày Sài Gòn giãn cách kéo dài.

Cuối tháng 7 vừa qua, Trang quyết định nghỉ việc. Từ một nhân viên marketing với mức lương trên 12 triệu đồng/tháng, Thu Trang rơi vào cảnh thất nghiệp và chưa lường hết được khó khăn khi nghỉ làm.

Công ty giảm lương, nhân viên trăn trở ở lại hay ra đi - 1

Phạm Thu Trang xin nghỉ việc trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh: NVCC).

Chia sẻ về quyết định rời công ty đã gắn bó 3 năm, cô cho biết, ngay từ đầu tháng 6, công ty đã chịu tác động từ dịch Covid-19 nên phải cắt giảm nhân sự.

"Sự ra đi "tình cảm", bớt cho công ty "cân đo đong đếm" bài toán nhân sự, chi phí lương thưởng, với tôi, là một quyết định khó khăn nhưng không thể tránh khỏi", Trang chia sẻ.

Rời công ty, Trang cố gắng tìm kiếm một công việc phù hợp với bản thân. Thế nhưng nghỉ việc ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, 2 tháng sau, cô gái 27 tuổi vẫn thất nghiệp. Trang thấm thía cuộc sống khó khăn thế nào khi không có thu nhập.

Để có tiền chi phí sinh hoạt và thuê trọ, Thu Trang đang nhận một công việc online, xử lý những tình huống phát sinh cho một trang thương mại điện tử. "Thu nhập chẳng là bao, nhưng phải làm để có tiền chi tiêu thiết yếu", Trang tâm sự.

Cũng lựa chọn nghỉ việc, Nguyễn Thị Anh Thư (27 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM, nhân viên kinh doanh) cho rằng, cô rời đi khi thấy lương giảm, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống.

Trong lá đơn xin thôi việc của mình, Nguyễn Thị Anh Thư trình bày, bản thân đã cố gắng rất nhiều nhưng không nhận được sự phản hồi tích cực từ công ty. Đặc biệt, trong thời gian làm việc tại nhà, dù cô đã có ý kiến đề nghị thay đổi cách vận hành nhưng lãnh đạo công ty cũng không chấp nhận. Bản thân Thư thấy không có khả năng phát triển tại công ty.

Quyết định nghỉ việc từ tháng 9, trong thời điểm công ty gặp khó khăn do dịch bệnh của Thư khiến không ít người ì xèo, thậm chí có người còn cho rằng cô "cạn tình".

Tuy nhiên, cô gái lại bày tỏ quan điểm: "Tôi tranh thủ thời gian này để nghỉ ngơi ở quê nhà. Rõ ràng, việc nghỉ ngang sẽ ảnh hưởng tới hồ sơ xin việc sau này của tôi, nhưng khi quyền lợi không được đảm bảo, ý kiến không được tiếp thu thì tôi không còn lý do để gắn bó".

"Đồng cam cộng khổ", cùng vượt "bão" Covid-19

Anh Tuấn (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Quận 3, TPHCM) theo nghề biên tập gần 5 năm qua. Từ một sinh viên mới ra trường, công việc đã mang đến cho Tuấn những kỹ năng, kinh nghiệm và có một cuộc sống tạm ổn tại thành phố.

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, doanh thu của công ty sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, thay vì xin nghỉ việc, tìm một "bến đỗ" mới, Tuấn tiếp tục ở lại dù gặp không ít những áp lực trong công việc trong khi lương bị cắt giảm đến 35%.

Công ty giảm lương, nhân viên trăn trở ở lại hay ra đi - 2

Anh Tuấn lại quyết định gắn bó với công ty dù thu nhập giảm tới 35% (ảnh: NVCC).

Anh Tuấn cho biết, hiện nay không chỉ anh mà nhiều nhân viên khác cũng bị cắt giảm lương. Tuấn phân tích, nghỉ việc để tìm một công việc mới lúc này rất khó, nhất là công việc mà mình yêu thích.

"Hàng loạt lao động đã mất việc vì dịch, mình may mắn giữ được việc làm thì nên cố gắng làm. Chỉ mong sao, hoạt động kinh doanh sớm được phục hồi, toàn bộ nhân viên công ty sớm được nhận lại đủ lương", Tuấn tâm sự.

Đồng quan điểm với Tuấn, Đặng Mai Phương (29 tuổi, trú Quận 3, TPHCM) cũng chọn cách ở lại công ty trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mai Phương tỏ ra lạc quan và coi đó là điều tất yếu trong bối cảnh đặc biệt.

Nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi cho biết: "Nếu như vài năm trước, khi mới chập chững đi làm, có lẽ tôi sẽ nghỉ việc để thử thách bản thân. Còn hiện tại tôi đã có trải nghiệm và cần sự ổn định với công việc phù hợp bản thân. Tôi chọn cách chấp nhận mức lương và công việc hiện tại, cùng công ty vượt "bão" Covid-19".

Quyết định sớm để không ảnh hưởng đến công việc

Anh Đỗ Trinh Trong, một chuyên gia về kỹ năng sống tại TPHCM cho rằng, cá nhân người lao động là người quyết định mình nên ở lại hay rời đi. Tuy nhiên, khi đã manh nha ý định nghỉ việc, người lao động cần sớm đưa ra quyết định cuối cùng.

Việc phân vân nghỉ hay không sẽ tác động rất lớn đến thái độ làm việc và chất lượng công việc.

"Chỉ vì vấn đề kinh tế mà cố gắng "bấu víu" với công việc hiện tại, về lâu dài sẽ dẫn đến "stress" cho chính người lao động và ảnh hưởng tới công việc chung của toàn bộ công ty", anh Trong nói.