Công nhân quyết trở lại Hà Nội sớm, đi làm gấp đôi lương
(Dân trí) - Theo thông báo của công ty, ngày 16/1 (mùng 7 âm lịch) chị Trần Thị Thanh Huyền mới phải trở lại nhà máy làm việc. Song chị đã quay lại thủ đô sớm hơn 2 ngày để làm kiếm thêm thu nhập.
Nghỉ dài ngày cũng xót ruột
Chiều mùng 3 Tết, vợ chồng chị Huyền đã sửa soạn đồ đạc, tạm biệt gia đình xuống Hà Nội, quay trở lại với công việc thường nhật.
Sở dĩ đi sớm hơn mọi người vì chị Huyền tranh thủ đi nhờ xe riêng của người thân, tiết kiệm vài trăm nghìn tàu xe.
"Trở về đến nhà hôm 28 Tết, đến nay tôi đã có gần một tuần nghỉ ngơi, quây quần cùng gia đình. Chơi lâu cũng xót ruột, nên vợ chồng tôi quyết định xuống thủ đô sớm, đi làm thêm", chị Huyền kể.
Chào tạm biệt mọi người, hành trang chị mang xuống Hà Nội là vài chiếc bánh chưng. Trở lại phòng trọ ở huyện Mê Linh (Hà Nội), gia đình chị sẵn sàng cho một năm mới cùng nhiều trông đợi, kỳ vọng hơn.
20 năm gắn bó với công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị cảm thấy may mắn khi doanh nghiệp vẫn đều đặn việc cho công nhân. Năm 2023, chị vẫn có thời gian tăng ca, kiếm thêm thu nhập thay vì chỉ làm 8h/ngày như nhiều đồng nghiệp khác trong khu công nghiệp.
Lương vợ chồng công nhân cũng đủ trang trải cuộc sống, thuê trọ, tiền học cho con đang ở cuối cấp 3. Tết vừa qua, chị nhận thưởng hơn 6 triệu đồng. Về quê, chị biếu ông bà một ít, còn lại để dành dụm phòng khi bệnh tật, ốm đau.
Hôm nay (ngày mùng 5 Tết), chị cũng mặc trang phục công nhân công ty, đi xe máy đến xưởng. Chị sẽ làm việc 8 giờ tại nhà máy, được tính lương làm thêm 200%. Những người lao động đồng ý làm thêm ngày mùng 2, mùng 3 Tết mới được hưởng lương nhân 3.
"Ở nhà lâu quá cũng chán, xuống công ty sớm tôi có thể đi làm thêm 2 ngày, mức lương gấp đôi. Đây coi như sự khởi đầu một năm mới mong ước gia tăng thu nhập", chị Huyền nói.
Chuyến xe miễn phí
Sáng sớm 14/2 hôm nay, chị Lê Thị Hồng (ở Yên Định, Thanh Hóa) được người thân chở đến UBND huyện Hà Trung để đi chuyến xe miễn phí của công đoàn. Đây cũng là năm đầu tiên, công đoàn tổ chức xe đón công nhân từ quê đến Hà Nội làm việc.
Chị Hồng nhẩm tính, đi xe công đoàn giúp chị tiết kiệm 500.000 đồng/2 lượt. Những năm trước đây, chị bon chen, nhồi nhét trên xe khách, năm nay, chị đã thoát cảnh "hành xác" trên đường về quê.
Nữ công nhân cho biết, ngày xưa, mọi người quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi. Ngày nay đã khác, công nhân mong mỏi quay trở lại nhà máy làm việc, mới mong có thu nhập.
"Hôm nay di chuyển xuống thủ đô có thời gian nghỉ ngơi. Ngày mai chúng tôi bắt đầu quay trở lại nhà máy làm việc", chị Hồng nói.
Làm việc 10 năm trong khu công nghiệp, chị Hồng dạn dày kinh nghiệp. Hiện chị đang làm trong phòng sạch tại một doanh nghiệp về điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long. Năm qua, chị có nhiều thời gian làm thêm, thu nhập trung bình chạm mức 10 triệu đồng/tháng.
Trừ chi phí sinh hoạt, thuê trọ tại Hà Nội, vợ chồng chị cũng cố gắng để dành một khoản thực hiện những kế hoạch tiếp theo.
Trong năm mới, chị mong mỏi có sức khỏe tốt. Hơn nữa, công ty có nhiều đơn hàng, tạo việc làm đều đặn cho người lao động. Có như vậy, cuộc sống của những công nhân làm việc trực tiếp như chị mới bớt khó khăn, vất vả.
Nhằm giúp đoàn viên, người lao động xa quê có được niềm vui đoàn viên ngày Tết, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức "Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024" gồm các hoạt động hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và đón đoàn viên, người lao động trở lại Hà Nội làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là đoàn viên, người lao động thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội, ưu tiên nữ công nhân lao động mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.