Đường dây lừa người ra biển làm “nô lệ”

Từ cuộc đào thoát khỏi tàu cá ở khu vực biển Kiên Giang của Phạm Đức Anh tuần qua cùng với tư liệu từ cơ quan chức năng, đã hé lộ ra một đường dây chuyên lừa người đi biển từ TP HCM tới các vùng biển miền Tây.

Giăng bẫy

Nắm bắt nhu cầu lao động nghề biển của chủ tàu, đường dây buôn người đã dụ dỗ những thanh niên khỏe mạnh, thất nghiệp đưa xuống tàu cá, biến họ thành nô lệ không công trên con tàu gỗ mong manh giữa trùng khơi.

“Cả ngày nay em không có gì vào bụng”, Phạm Đức Anh (quê Hà Nội) mới ngẩng mặt lên nói sau khi ăn xong tô phở. Trên khuôn mặt còn lộ rõ vẻ thất thần, Đức Anh kể, do nhà quá nghèo, mẹ già bệnh nặng nên tháng 5/2018, Anh đón xe lên TP HCM tìm việc làm.

Đến bến xe miền Tây, theo quảng cáo trên tờ rơi, nam thanh niên này đến gặp người xe ôm và được giới thiệu đi làm nghề biển với lương rất hấp dẫn: Nếu 1 tháng tàu vào bờ thì lương 12 triệu. Nếu từ 35-40 ngày mới cập bến thì lương không dưới 20 triệu, tiền ăn uống chủ tàu bao. Tuy nhiên, muốn đi được phải gặp đối tượng tên Nhu.


Phạm Đức Anh với khuôn mặt thất thần.

Phạm Đức Anh với khuôn mặt thất thần.

Lấy được số điện thoại và liên lạc với Nhu, Phạm Đức Anh được Nhu hẹn sẽ có xe đưa đi xuống chỗ làm. Hôm sau, Anh tới bến và được người đàn ông xưng tên Nhu đưa lên chiếc xe hơi chở thẳng xuống Kiên Giang. Trên xe có 5 người nữa.

Tới nơi, 6 người được đưa tới dãy phòng trọ giao cho 2 người đàn ông xưng là người nhà của chủ tàu cá. Cả nhóm được chia vào 2 phòng trọ, ở lại một ngày để chờ đủ người lên tàu. “Ngày hôm sau em còn thấy xe chở tới đây hơn 10 người nữa.” - Anh nhớ lại.

Ngày ra biển, cả nhóm được cấp cho ít dụng cụ đi biển rồi lần lượt phân ra các tàu cá. Anh và một người nữa được phân lên tàu “đực” mang số hiệu 78. Con tàu này sẽ đi cặp với tàu “cái” có số hiệu 77 (Anh không biết chữ nên chỉ nhớ 2 số cuối của tàu cá do bạn ghe nói lại). Khi tàu ra biển, lân la hỏi chuyện, Phạm Đức Anh mới “té ngửa” khi một bạn ghe hỏi việc có được ứng trước 10 triệu không. Nghe vậy, Anh lên gặp thuyền phó tên là Trọng.

Trọng cho biết tiền 10 triệu đồng đã chuyển cho Nhu để ứng cho Anh. Uất ức Anh cự cãi với Trọng: “Em làm công, ông Nhu dẫn em xuống giới thiệu, sao lại đưa tiền lương của em cho ông ấy”. Nhìn Anh, Trọng lạnh lùng nói: “Đằng nào trên biển rồi, cứ làm đi, khi tàu vào bờ có tiền”.

Bây giờ vào đến bờ, kể lại chuyện Anh mới thấy hoảng sợ: “Có bị sao giữa biển thì chắc chỉ có chủ tàu và người đi biết. Chủ tàu không tử tế, tính mạng bọn em chỉ còn biết phó thác cho biển”. Trước khi ra khơi, Anh không nói với người nhà, không ai biết đi đâu, làm gì. Phía chủ tàu cũng không ký hợp đồng, toàn nói miệng với nhau. Trên biển không có sóng điện thoại. “Lúc đó em biết mình bị lừa rồi. Nhưng tàu đi quá xa, sóng lớn, bờ thì mù mịt nên em không thể nhảy xuống bơi vào được, đành cắn răng làm việc”, nam thanh niên uất ức.

Bỏ trốn

Chuyến ra khơi lần đó không phải một tháng mà dài tới 42 ngày. Công việc hàng ngày của Anh là chạy móc cào, lựa phơi mực và nấu nướng cho cả tàu. “Ban đầu, ông Nhu nói ngày làm 5 tiếng thôi. Nhưng lên tàu làm quần quật từ sáng tới tối, cả 12 tiếng” - Anh kể.

Đến ngày 11/7/2018, đôi tàu “đực 77, cái 78” vào bờ biển Rạch Gốc (Kiên Giang), nhưng đậu xa bờ. Anh lên xin thuyền phó, khi nào tàu xuống cá thì về. Nhưng thuyền phó nói phải xin thuyền trưởng. Thuyền trưởng tên Kiệt, lắc đầu nói “không được” vì ông Nhu đã lấy hết 10 triệu đồng rồi. Nghe vậy, Anh biết chuyến đi 42 ngày không có tiền. “Giờ đi nữa cũng không chắc có tiền. Nên em quyết định bỏ trốn” - Anh kể lại.

Không chỉ mình Đức Anh trên tàu muốn bỏ trốn, một bạn ghe tên Phương (quê ở Kiên Giang) cũng muốn thoát đi. Phương có cái điện thoại di động, khi tàu cặp bờ, Phương gọi về nhà thì hay tin mẹ ốm nên xin về đất liền thăm mẹ nhưng thuyền phó lắc đầu. Thương 2 bạn trẻ bị gạt mất tiền lương, một bạn ghe khác tên Sơn bí mật dúi cho Anh 28.000 đồng và chỉ cách trốn.

Một góc làng chài ở Kiên Giang
Một góc làng chài ở Kiên Giang

Sau bữa ăn trưa, khi mọi người đi ngủ, Anh và Phương nhảy xuống nước bơi đến chiếc phà chạy ngang gần đó để vào bờ. “Hai đứa lên phà đóng mất 20.000 đồng, còn có 8.000 đồng. Phương gọi được người nhà lên đón và cho em ít tiền”. Tức tốc, Đức Anh đón xe về Đồn Biên phòng Rạch Gốc tố cáo, sau đó đón xe lên TP HCM kêu cứu. Anh cho biết, trên mấy cặp tàu đi biển đợt đó có hơn 10 người bạn nữa cũng bị lừa nhưng không trốn được.

Đường dây lừa người đi biển?

Trong vai người đi kiếm việc làm, chúng tôi xuống bến xe miền Tây (TP HCM) trên góc tường của bến xe, nhiều tờ quảng cáo khổ A4 in đậm nội dung: “Nghiệp đoàn nghề cá cần tuyển nam nữ phụ ghe tàu, lựa hải sản, bao ăn ở, làm 5h/ngày, thu nhập 12-20 triệu/tháng. Liên hệ số điện thoại….”.

Gọi điện thoại liên hệ trong tờ rơi, đầu dây bên kia một người đàn ông xưng tên Nhu trả lời. Nhu hướng dẫn, khỏi cần biết bơi, cứ xuống dưới đó (Kiên Giang) có người lo. Đi biển nếu tròn 1 tháng thì lương 12 triệu. Nếu tàu đi quá 1 tháng, từ 35 -40 ngày mới vào bờ thì lương không dưới 20 triệu. Hết chuyến, muốn thì vào bờ, không đi tiếp. Lời dụ dỗ đường mật này không khác gì với Phạm Đức Anh trước đó. Đối tượng mà Nhu săn tìm phải là thanh niên có sức khỏe, biết bơi càng tốt. Còn lý lịch không quan tâm, miễn là chấp nhận đi biển.

Giới thiệu một người xe ôm và mô tả hình dạng, biển số, Nhu dặn ra ngoài cổng bên góc đường để ông ta chở tới địa điểm đón xe đi Kiên Giang. Người xe ôm khoe một ngày có khi chở được cả chục thanh niên cho Nhu đưa đi làm ở tàu cá, được trả công dẫn 300.000 đồng/người. Đứng từ xa nhận diện, Đức Anh cho hay, chính người xe ôm này đã chở mình tới gặp Nhu. Sau này, khi trốn thoát về TP HCM, Đức Anh ra bến này để tìm Nhu đòi tiền, cũng gặp ông ấy. Ông ấy khuyên bỏ đi, coi chừng tụi nó uýnh cho đấy.

Sau một vòng tìm việc, chúng tôi xác định ở khu vực bến xe miền Tây có 2 người xe ôm nữa cũng làm nhiệm vụ xem vóc dáng người và dẫn mối cho Nhu. Công việc vẫn là đưa xuống cung cấp cho các tàu đánh bắt cá trên biển.

Cũng trong thời gian này, thông tin từ Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang cho biết, nhiều lao động đi biển tố cáo một nhân vật tên Nhu ở TP HCM lừa đảo lấy tiền người đi biển.

Theo tố cáo, Nhu liên kết với nhiều đối tượng khác ở Cà Mau và có đội xe ôm ở TP HCM. Lợi dụng người lao động cần tìm việc làm, Nhu đưa xuống cho các đầu nậu chuyên cung cấp người đi biển cho các tàu cá tại Kiên Giang để lấy tiền môi giới và lừa cả tiền lương người lao động. Việc này, cơ quan chức năng đang làm việc với chủ tàu cá và mở hướng điều tra các đối tượng ở TP HCM.

Ngày 24/7, BĐBP tỉnh Kiên Giang nhận được công văn của BĐBP tỉnh Ninh Thuận thông báo về việc một số lao động làm nghề biển (thường trú tỉnh Ninh Thuận) làm việc trên phương tiện KG 92674 TS và KG 91843 TS có nghi vấn nằm trong đường dây môi giới sử dụng lao động bất hợp pháp.

Kèm theo công văn có đơn trình báo của bà Trần Thị Phương Dung (SN 1975), trú tại phường Phú Hà, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận trình báo sự việc con trai của bà tên là Đỗ Công Anh Việt (SN 2000) từ đầu tháng 6/2018 đi vào TP HCM tìm việc làm. Thông qua mạng facebook trang “Việc làm Sài Gòn”, Việt được đối tượng tên “Chín” đưa xuống tỉnh Cà Mau làm việc lựa cá trên phương tiện KG 92674 TS với mức lương hứa hẹn 12 triệu đồng/tháng.

Theo Báo Pháp Luật VN