Quảng Nam: Thiếu lao động đi biển, tàu tiền tỷ nằm bờ phơi nắng

Giữa tháng 7, khi vụ đánh bắt chính đang vào mùa nhưng tại tỉnh Quảng Nam, hàng trăm tàu cá phải nằm bờ vì thiếu lao động đi biển.


Mặc dù đang giữa mùa vụ đi biển nhưng hàng trăm tàu cá phải nằm bờ vì thiếu lao động đi biển

Mặc dù đang giữa mùa vụ đi biển nhưng hàng trăm tàu cá phải nằm bờ vì thiếu lao động đi biển

Tại phường Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), hàng chục tàu cá trị giá hàng tỷ đồng của ngư dân nằm phơi nắng, phơi sương tại cảng. Anh Cao Hùng Vương, chủ tàu cá ở đây cho biết, nguyên nhân là bởi không tìm đủ số lượng thuyền viên đi biển. Nhiều người còn phải vay mượn tiền cho bạn thuyền tạm ứng, rồi đến nhà năn nỉ. Vậy mà đến ngày đi biển, một số người lấy lý do không chịu đi. Không ít trường hợp tạm ứng tiền của chủ tàu này nhưng lại đi đánh bắt với chủ tàu khác.

Nguyên nhân làm cho lao động đi biển ngày càng khan hiếm là do nghề này đối mặt với hiểm nguy, ngư trường ngày càng cạn kiệt nên việc làm ăn trên biển ngày càng khó khăn, đầu ra hải sản không ổn định. Trong khi đó, trên đất liền, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên cũng như các dịch vụ du lịch phát triển mạnh thu hút lực lượng lớn lao động địa phương.

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước đây, mỗi năm chủ tàu tổ chức hàng chục chuyến đi biển nhưng hiện nay chỉ còn 5 - 7 chuyến biển. Sản lượng khai thác hải sản của địa phương vì thế cũng bị sụt giảm.

Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 780 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Trong khi, địa phương quy hoạch đến năm 2020 phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ lên 750 chiếc. Chính sự phát triển “nóng” này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động; Đồng thời, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang kiểm soát lại lượng tàu thuyền trên cơ sở nguồn lợi thủy sản hiện có cũng như hạ tầng nghề cá; tham mưu UBND tỉnh tạm dừng đóng mới tàu cá công suất lớn. Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay, ngành cũng đã thông tin đến các cơ sở đóng tàu về chủ trương này. Trên cơ sở đội tàu thuyền hiện có, tỉnh tập trung nâng cấp từ tàu công suất nhỏ lên công suất lớn, cải hoán, chuyển đổi một số phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt.

“Vấn đề mà ngành quan tâm là động viên các chủ tàu chuyển nghề, đồng thời cải hoán, chấm dứt nghề khai thác giã cào đi đến chấm dứt nghề giã cào. Đây là nghề mang tính khai thác hủy diệt, làm cho tất cả những con cá từ nhỏ đến lớn đều quét sạch hết, làm cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt”, ông Tấn trăn trở.

Theo Báo Giao thông