1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa:

Dùng nhiều "chiêu" thu hút, doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động

Bình Minh

(Dân trí) - Dù đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút người lao động nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa vẫn không tuyển đủ nhân công.

Nhu cầu cao, nguồn cung khan hiếm 

Từ cuối tháng 12/2021, Công ty CP truyền thông số ADVTV đã đăng tuyển 10 lao động chất lượng cao. Dù đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ cũng như mức lương cao hơn mức trung bình ở Thanh Hóa nhưng đến nay doanh nghiệp mới nhận được duy nhất một hồ sơ.

"Chúng tôi liên tục đăng tuyển dụng và phát tờ rơi nhưng lao động có tay nghề thật sự rất khó tuyển. Việc không tuyển được lao động gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp", ông Thái Ngọc Dũng, Trưởng Phòng Tổ chức, Công ty CP truyền thông số ADVTV chia sẻ.

Đầu năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Quốc tế ACB - Chi nhánh Thanh Hóa mở thêm một nhà máy may tại xã Yên Trung (Yên Định, Thanh Hóa) cùng với nhiều đơn hàng mới nên có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 công nhân.

Dùng nhiều chiêu thu hút, doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động - 1

Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng đủ số lao động theo nhu cầu.

Tuy nhiên, theo đại diện công ty này, dù đã đưa ra mức lương cùng các chính sách đãi ngộ khá hấp dẫn đồng thời thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa và trực tiếp về các địa phương để tuyển dụng lao động nhưng số lượng lao động tuyển dụng được không nhiều.

Tương tự, Công ty TNHH Giày Alerron Việt Nam - Chi nhánh Thọ Xuân cần tuyển thêm 5.000 lao động phổ thông đi làm ngay nên đã liên tục đăng thông báo tuyển dụng nhưng vẫn không đủ số lao động đưa ra.

Đối với công ty này, ngoài tiền lương, tiền tăng ca, các phụ cấp, người lao động còn được công ty thưởng sản lượng, lương tháng 13 và nhiều quyền lợi, chế độ theo chính sách ưu đãi của công ty; được đóng BHXH, BHYT theo quy định của Nhà nước. Đặc biệt, những công nhân đã từng làm việc, bỏ việc sau 4 tháng hoặc có đơn xin nghỉ ở công ty sau 2 tháng có nhu cầu quay lại làm việc công ty vẫn sẽ tiếp nhận.

Ngoài ra, đối với công nhân sản xuất (may, pha cắt, in...), công ty không yêu cầu kinh nghiệm, nếu chưa có tay nghề sẽ được đào tạo khi làm tại công ty.

Tình trạng khó tuyển dụng không chỉ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề mà ngay cả doanh nghiệp có nhu cầu lao động phổ thông cũng tương tự.

Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 220 doanh nghiệp cần tuyển dụng 32.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp tuyển số lao động lớn như: Tập đoàn Vingroup cần tuyển dụng ngay 9.000 lao động; Công ty TNHH Giày Aleron Việt Nam tuyển 2.000 lao động, Công ty CP Green Speed tuyển 2.000 lao động, Công ty TNHH NY Hoa Việt tuyển 1.000 lao động…

Ngoài ra, có khoảng 30 doanh nghiệp đã đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngay trong quý I/2022 với khoảng trên 3.500 lao động tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Doanh nghiệp thiếu lao động, lao động thiếu việc làm

Theo ông Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn hiện đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp khó tuyển lao động nhưng lao động lại thiếu việc làm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Dùng nhiều chiêu thu hút, doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động - 2

Phần lớn doanh nghiệp tìm kiếm lao động có tay nghề cao và có kinh nghiệm, song nguồn lao động ở địa phương chủ yếu mới chỉ qua đào tạo ngắn hạn, tay nghề chưa cao.

Trước hết là do phần lớn doanh nghiệp tìm kiếm lao động có tay nghề cao và có kinh nghiệm, song nguồn lao động ở tỉnh Thanh Hóa chủ yếu mới qua đào tạo ngắn hạn, tay nghề chưa cao.

Đối với các lao động phổ thông, do vẫn ảnh hưởng bởi tác phong nông nghiệp, khi làm việc trong các dây chuyền sản xuất hiện đại với áp lực cao thì chưa theo kịp.

Cùng với đó, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp quá thấp, lương khởi điểm chỉ ở mức 3,6 triệu đồng/tháng nhưng yêu cầu công việc, giờ giấc lại quá cao. Có nơi, người lao động phải làm việc xuyên suốt 10 - 11 giờ đồng hồ, thậm chí 12 giờ/ngày nhưng tiền thêm giờ lại không bù đắp được sức lao động.

Một nguyên nhân nữa là gần đây các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động trẻ (từ 18 - 35 tuổi), trong khi phần lớn lực lượng lao động trẻ đều đến các thành phố lớn tìm việc.

Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, để giải quyết bài toán doanh nghiệp thiếu lao động, lao động thì thiếu việc làm, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường, trung tâm dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề để có nhiều trường đào tạo nghề đa dạng; khuyến khích doanh nghiệp cải cách tiền lương, đáp ứng nhu cầu ăn, ở, chế độ bảo hiểm, trợ cấp… cho người lao động.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh này hiện có gần 230.000 lao động trở về từ vùng dịch, trong đó có khoảng 185.100 người trong độ tuổi lao động trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố (chiếm trên 80,4% tổng số công dân trở về quê).

Sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có khoảng 65.000 lao động quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành, số lao động chưa quay lại là 19.800 người, số lao động có nhu cầu ở lại tỉnh làm việc là 45.000 lao động.