Quảng Nam:

Tuyển hơn 1.000 lao động cho thị trường nước ngoài

Công Bính

(Dân trí) - Trong năm 2022 này, tỉnh Quảng Nam sẽ tuyển hơn 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan…

Ngày 11/3, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2022.

Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam cho hay, một trong những mục tiêu trong năm 2022 của tỉnh là đưa hơn 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở các  quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Tuyển hơn 1.000 lao động cho thị trường nước ngoài - 1

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2022 (Ảnh: C.B).

Hiện thị trường những nước trên có nhu cầu tuyển lao động các ngành xây dựng, nông ngư nghiệp, chế tạo, chế biến thực phẩm, hộ lý, điều dưỡng… với mức thu nhập mỗi tháng từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc từ 3-5 năm, có thể gia hạn hợp đồng thêm 13 tháng.

Những lao động ở thị trường này làm việc mỗi ngày 8 giờ, được công ty tuyển chọn bố trí chỗ ở, được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định của Chính phủ nước sở tại. Người lao động sau khi về nước đúng thời hạn sẽ nhận được số tiền trợ cấp bảo hiểm từ 60 - 90 triệu đồng.

Để tuyển được số lao động xuất khẩu, hiện Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam phối hợp với các Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tổ chức sàn giao dịch việc làm để giải quyết việc làm cho những lao động có nhu cầu tìm việc trong nước cũng như nước ngoài.

Ông Võ Văn Dũng cho hay, đơn vị đã đề nghị các địa phương rà soát số lao động trong độ tuổi có nhu cầu tìm việc làm trong nước hoặc có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường có thu nhập cao. Đặc biệt, cần quan tâm đến nhóm lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện chưa có việc làm và nhóm bộ đội xuất ngũ…

Tuyển hơn 1.000 lao động cho thị trường nước ngoài - 2

Người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam tìm hiểu, tiếp cận việc làm (Ảnh: C.B).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Đông Giang cho hay, những năm qua, việc xuất khẩu lao động ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, do nhận thức của người dân, người trong độ tuổi lao động, thanh niên… rất hạn chế. Họ có tư tưởng muốn ở nhà, làm việc ở quê nhà, không muốn đi xa.

Ngoài ra, do công tác tuyên truyền vận động của những người trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động, cũng như những đơn vị tư vấn tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp… ở nước ngoài chưa đạt yêu cầu.

Trên địa bàn huyện Đông Giang, mỗi năm có khoảng 200 lao động có nhu cầu tìm việc làm ở trong nước và nước ngoài. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiện lãnh đạo huyện đang tính đến con đường xuất khẩu lao động, để người lao động chắc chắn thoát nghèo.

Hiện, tập đoàn Thaco đang cần nhiều lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở 2 thị trường Lào và Campuchia. Với mức lương từ 17-18 triệu đồng một tháng, rất hấp dẫn với thanh niên huyện Đông Giang để lựa chọn làm việc ở 2 địa bàn này.

"Đây là tín hiệu tốt để người lao động nói chung và lao động ở huyện Đông Giang nói riêng thoát khỏi tư tưởng ở nhà. Thu nhập cao chính là tín hiệu tốt để người lao động tiếp cận những ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao ở thị trường nước ngoài", Phó Chủ tịch huyện Đông Giang nói.

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Tùng, thực tế, người lao động ở huyện Đông Giang đa phần đi làm thợ hồ, làm keo nên thu nhập không cao. Hiện có một số thanh niên "sáng làm có tiền, chiều ngồi nhâm nhi". Đây là một rào cản trong việc phát triển kinh tế, cũng là thách thức với bài toán xóa đói giảm nghèo.