1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Đủng đỉnh" cả chục năm đi làm, trở tay không kịp khi bị sa thải

Hoài Nam

(Dân trí) - Bị sa thải khi công ty cắt giảm nhân sự, ngoài khó khăn chung, điều mà chị Nguyễn Thị L. tự trách mình là sự đủng đỉnh đến mức trì trệ, dù đã đi làm tới hơn cả chục năm.

"Trắng tay" sau 15 năm đi làm

Gần 2 tháng sau cú sốc thất nghiệp, mới đây chị Nguyễn Thị L., 40 tuổi, nhân viên phát hành một công ty sách tư nhân tại TPHCM mới đối diện được sự thật: "Mình đã bị sa thải".

Giữa tháng 7 vừa rồi, biết có tên trong danh sách cắt giảm nhân sự, chị Nguyễn Thị L. đã suy sụp và cả ấm ức. Dẫu rằng sự việc đã được báo trước đó cả tháng. Hơn nữa, so với nhiều người, chị vẫn là nhân viên có thâm niên nhất.

Vậy nhưng, nhìn vào hiệu suất công việc, dấu ấn cá nhân tại công ty, chị biết con đường dẫn tới ngày hôm nay. 

Đi làm năm này qua năm khác, chị luôn trong nhóm chật vật để "hoàn thành công việc", nhiều năm rớt thảm, ở trong diện "cảnh báo". Thu nhập đi với hiệu quả công việc, dù có thâm niên nhưng lương thưởng lúc nào lẹt đẹt, chị vẫn chủ quan, tự an ủi: "Mình làm ít hưởng ít". 

Đủng đỉnh cả chục năm đi làm, trở tay không kịp khi bị sa thải - 1

Thiếu nỗ lực, học hỏi, nhiều người "trắng tay" sau thời gian dài đi làm (Ảnh minh họa).

Chị Nguyễn Thị L. thừa nhận ngại học hỏi, thay đổi, mọi thứ trong cuộc sống cho đến công việc đều làm theo thói quen. Nhiều cơ hội học tập về chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ chị đều né tránh hoặc đối phó. Thấy nhiều đồng nghiệp, bạn bè lao vào học cái này cái kia, chị lắc đầu: "Mình chịu". 

Không ít lần chị đều gạt đi khi người thân, bạn bè khuyên chị học thêm nâng cao chuyên môn, thay đổi công việc, tìm cơ hội mới. Chị tự nhận không có tham vọng, an phận làm nhân viên đến cuối đời. Có người rủ chị làm thêm cái này cái kia để kiếm tiền, có lúc chị cũng tham gia nhưng đụng đâu cũng thấy khó nên lại thôi. 

Làm một nhân viên đủng đỉnh, tà tà tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, chị không nghĩ có ngày chính mình... tự loại mình. Mong muốn làm nhân viên suốt đời của chị cũng bất thành trước sự cạnh tranh, cắt giảm. 

Đến lúc rơi vào tình cảnh này, chị mới thẳng thắn: "Mình gần như "trắng tay" sau 15 năm đi làm".

Ở tuổi của chị, bạn bè đang thăng hoa trong công việc, người có vị thế, hay có người đã vững mạnh về tài chính sẵn sàng cho tình huống "về hưu sớm". Trong đó, nhiều người xuất phát điểm thấp hơn chị.

Còn chị chuyên môn không đâu đến đâu, vị thế không, ngoại ngữ không, tiền bạc cũng không, con cái cũng thiệt thòi đủ bề... và phía trước là sự lo lắng, bất an.

Phải bắt đầu lại mọi thứ, nhưng năng lực không được trau dồi, thiếu khả năng cạnh tranh, lại thêm tâm lý an phận, tìm một công việc mới với chị không hề dễ dàng.

Không ngừng "nâng cấp" bản thân

Nhân viên "cắp ô, đếm thời gian" là vấn nạn đã được nhắc đến rất nhiều, không chỉ ở trong các cơ quan nhà nước. Tùy mức độ, nhiều doanh nghiệp cũng mệt mỏi với tình trạng nhân viên làm việc thiếu nỗ lực, học hỏi, chỉ đếm ngày chờ lĩnh lương.

Trong điều kiện ảnh hưởng vì dịch bệnh, các công ty càng quan tâm đến việc tổ chức lại bộ máy nhân sự. Những bộ phận, cá nhân làm việc không hiệu quả, trì trệ luôn nằm đầu tiên trong danh sách sa thải. Rất nhiều người sau cả chục năm đi làm "trắng tay" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đủng đỉnh cả chục năm đi làm, trở tay không kịp khi bị sa thải - 2

Học hỏi, nỗ lực không ngừng là cách ứng phó cho mọi tình huống trong sự nghiệp và cuộc sống (Ảnh minh họa).

Anh Nguyễn Phan Mạnh, làm việc tại một tập đoàn công nghệ ở TPHCM bày tỏ: "Ở thời đại sức cạnh tranh cao, chỉ cần bạn dừng lại là đang đi lùi". Việc học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng và cả thái độ làm việc giờ đây không tính theo năm theo tháng mà tính từng ngày, từng giờ. 

Háo hức không, tâm huyết không, nỗ lực không, nhiều người "sống mòn" qua ngày ở công sở, với công việc. Không trau dồi, nâng cấp bản thân qua công việc, học hành đồng nghĩa với việc tự hại mình. 

Khó khăn ngày càng lớn, cạnh tranh ngày càng cao, ngay cả những người làm việc, học hành không ngừng còn rất chật vật. Nhưng chí ít khi có chuyên môn, kỹ năng vững vàng thì sẽ nhiều lối đi, lựa chọn trong mọi tình huống, bất trắc. 

Theo anh Nguyễn Phan Mạnh, có nhiều lý do cho sự trì trệ của người lao động. Có thể họ chọn sai ngành nghề, không đúng với thế mạnh cá nhân. Cũng có thể do quản lý chưa "kích hoạt" được năng lực nhân viên. Ngoài ra, còn các yếu tố như khả năng, sức khỏe, vướng bận con cái, gia đình... 

Nhưng dù vì lý do gì thì chính mình phải chịu trách nhiệm lớn nhất với cuộc đời, sự nghiệp.

Bạn của hôm nay là kết quả của trước đây. Không cần phải chờ đến lúc bị sa thải mới thất nghiệp. Làm mà không học, nhiều người lao động tự "sa thải" bản thân ngay khi đang yên ổn.