1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trung bình mỗi ngày, anh Quân cung cấp cho thị trường 1,5-2 tạ rau nhót, thu từ 3-5 triệu đồng. Với giá cả như hiện tại, một ha rau nhót có thể thu về 500 triệu đồng/vụ.

Khởi nghiệp bằng "máu liều"

Giữa cái nắng chói chang trên cánh đồng Doi (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), vườn rau nhót của anh Trần Văn Quân (SN 1984, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai) xanh mát mắt. Anh Quân cùng 4 lao động khác đang cắt rau để nhập theo đơn đặt hàng của các nhà hàng. Rau nhót được cắt phần ngọn, dài cỡ 5-7cm, phần còn lại được "phạt" phẳng để thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch đợt sau.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 1

Anh Trần Văn Quân bên ruộng rau nhót của mình.

"Hôm nay cắt 2 tạ mới đủ cho khách. Có hôm khách đặt 5 tạ, phải thuê thêm người cắt", anh Quân vừa thoăn thoắt cắt rau, vừa lí giải. Giá rau nhót giao động từ 15-25 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ngày anh Quân đút túi từ 3-5 triệu đồng, cao điểm lên tới 10 triệu đồng. Từ loài cây mọc dại ngoài bãi biển, nay rau nhót "lên vườn" đưa lại thu nhập đáng mơ ước cho anh nông dân này. Thế nhưng, để thuần hóa được rau nhót là một câu chuyện dài với vô số thất bại của anh Quân.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 2

Một ha đất vườn đã được phủ kín loài rau dại chỉ mọc ở bãi cát ven biển.

Rau nhót mọc hoang ngoài bãi biển, có vị chua chua, mặn mặn, một chút vị đắng nhưng  chế biến thành món nộm với lạc rang, hay sang hơn là với khô gà, khô bò lại có sức hấp dẫn kỳ lạ. Trước đây, nộm rau nhót là món ăn chơi chơi của người dân miền biển nhưng khoảng 10 năm gần đây nó trở thành đặc sản trong các nhà hàng, giá bán 70-90 nghìn đồng/đĩa. Tuy nhiên, loài rau này chỉ có thể thu hoạch đến tháng 3-4 hàng năm.

Sao mình không trồng nó để bán? Anh Quân nghĩ và bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghiệp bằng loài rau dại này của anh không được bố mẹ, đặc biệt là vợ ủng hộ.

"Thuần hóa" loài rau dại dọc bờ biển, thu tiền triệu mỗi ngày

"Thời điểm đó tôi không có vốn, không có một tí kiến thức nào trồng rau nhót, loài rau này cũng chưa từng được nghiên cứu để trồng một cách cụ thể. Thời điểm đó, động lực duy nhất để khởi nghiệp là... máu liều", anh Quân nhớ lại.

Cái khó đầu tiên là đất để trồng rau, anh Quân phải đi vận động từng nhà để thuê lại một ha đất. Vụ đầu tiên rau chết sạch vì đánh luống thấp, mưa ngập. Vụ thứ 2, do chưa điều chỉnh được lượng phân bón, kết quả cỏ phát triển lấn át rau. Rồi có vụ mất trắng vì nước tưới...

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 3

Từ loài rau dại, nay rau nhót đã trở thành hàng hóa, được bán với giá từ 15-25 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 4

Rau nhót được chế biến thành món nộm với lạc rang hay bò khô, gà khô hoặc tai lợn đang trở thành đặc sản được thực khách ưa chuộng (Ảnh: N. Hiếu).

Anh Quân vay mượn xây dựng hệ thống dẫn nước từ sông vào, điều chỉnh độ mặn của nước tưới trong từng giai đoạn phát triển của cây, ủ phân, xây hệ thống tưới và hệ thống thoát nước. Quy trình chăm sóc cây cũng được đúc rút dần qua nhiều lần thất bại. Khi cây rau nhót sống khỏe và phát triển bình thường trong vườn, hạch toán lại, số tiền đầu tư đã lên tới nửa tỉ đồng, phần lớn là vay mượn.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 5

Thời điểm này, mỗi ngày vườn của anh Quân cung cấp ra thị trường khoảng 2 tạ rau nhót.

Khi rau bắt đầu cho thu hoạch thì dịch Covid-19 ập đến, hàng quán đóng cửa. Không có nơi tiêu thụ, có những luống rau để mặc cho ra hoa, có nhiều luống phải cắt bỏ, vứt đi để cây phát triển bình thường. Vườn rau chưa thu được một đồng, lại gánh thêm nợ từ phân bón, nhân công.

Từ đầu tháng 4 năm nay, du lịch mở cửa khiến nhu cầu tăng cao, anh Quân không kịp cắt để bán. Theo ước tính của ông chủ trang trại "độc canh" cây rau nhót, với mức tiêu thụ và giá cả như hiện tại, một ha rau nhót có thể đạt mức thu 500 triệu đồng/vụ.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 6

Bà Hoàng Thị Hương phấn khởi khi những ngày tháng vất vả của con đã bắt đầu có "quả ngọt".

Phụ giúp con thu hoạch rau nhót để kịp giao cho khách, bà Hoàng Thị Hương (mẹ anh Quân) chia sẻ: "Khi Quân nói sẽ trồng rau nhót, tôi lo lắm. Thực lòng làm cha làm mẹ, nuôi con ăn học không ai muốn con quay về làm nông, vất vả cực nhọc thế này. Nhưng con đã quyết tâm thì bố mẹ cũng gắng phụ giúp. Nay thành quả cũng đã bắt đầu có, cũng bớt lo và mừng cho con".

Đưa cây rau nhót "Nam tiến"

Cây rau nhót xuống giống vào đầu mùa lạnh, sau 3 tháng có thể thu hoạch, vòng đời kéo dài đến 11 tháng. Trung bình mỗi tháng có thể cắt bán từ 2-3 lứa, việc thu hoạch được thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu", đảm bảo nguồn cung thường xuyên và ổn định cho thị trường.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 7

Hiện anh Quân đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, còn vào mùa làm đất, xuống giống cần có khoảng 20 nhân công...

Hiện trang trại rau của anh Quân đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. Vào giai đoạn cao điểm như làm đất, trồng lứa rau mới... phải cần đến gần 20 lao động. Để giảm bớt chi phí, Quân và bố mẹ cũng trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất.

Theo tính toán của anh Quân, mỗi cân rau nhót có thể chế biến được khoảng 4 đĩa nộm. Giá mỗi đĩa nộm rau nhót bán trong các nhà hàng tại Nghệ An từ 70-90 nghìn đồng. Tức là khi được chế biến, loại rau này có giá gấp hơn 14 lần so với giá ban đầu. Tuy nhiên, nhược điểm của loài rau này là khâu sơ chế mất thời gian và khá cầu kỳ, cần nhiều nhân công.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 8

Rau nhót được thu hoạch bằng cách cắt ngang ngọn, tầm 5-7 cm.

"Nếu mình chế biến sẵn, đóng túi hút chân không kèm với gia vị thì giá trị kinh tế của cây rau nhót cũng cao hơn nhiều lần. Giảm khâu chế biến, nhà hàng cũng có lợi hơn. Chưa kể nếu chế biến sẵn loài rau này trước khi cung cấp cho thị trường, mình có thể tạo việc làm cho nhiều lao động hơn", anh Quân nói.

Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội tỉnh, hiện một lượng hàng không nhỏ của ông chủ này được vận chuyển bằng đường máy bay vào tận các tỉnh phía Nam. Với quy trình canh tác, chăm sóc và đặc tính của rau nhót, loại thực phẩm này có thể giữ được vị và độ tươi ngon trong vòng 7 ngày kể từ khi thu hoạch. Mặc dù vậy thì khi đưa rau vào miền Nam, chi phí cũng đội lên rất nhiều.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 9

Nhân công đưa rau nhót vừa cắt vào để chuẩn bị nhập cho các nhà hàng.

"Tôi đã khảo sát và thấy có nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... tương tự ở đây, đảm bảo cho cây rau nhót sinh sống và phát triển tốt. Nếu chủ động được nguồn cung tại các tỉnh phía Nam thì giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí vận chuyển", anh Quân cho hay.

Đưa rau dại ngoài bờ biển vào vườn, cắt ngọn bán thu tiền triệu mỗi ngày - 10

Anh Quân đang ấp ủ kế hoạch sản xuất sản phẩm rau nhót chế biến sẵn để nâng cao giá trị và mở rộng diện tích vào các tỉnh phía Nam nhằm chủ động nguồn cung cho thị trường.