1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trồng loại rau gần giống "cây dại", người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ

Đăng Đức

(Dân trí) - Những năm gần đây, loại rau được trồng dưới vùng giếng cổ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đặc biệt có gia đình thu về hơn 50 triệu đồng/vụ.

Đang thời điểm chính của vụ thu hoạch rau xà lách xoong (bà con địa phương gọi là rau liệt - PV), nhiều người dân xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đều tập trung ra đồng để cắt rau bán cho thương lái. Vụ thu hoạch rau luôn được người dân trông chờ, bởi có thêm nguồn thu nhập khá để chi tiêu vào dịp Tết Nguyên đán. 

Rau xà lách xoong được xem là đặc sản của người dân địa phương, hiện đã nổi tiếng khắp vùng. Loại rau này được trồng dưới dòng nước trong vắt, mát mẻ chảy ra từ vùng giếng cổ Chăm Pa hơn 1.000 năm.  

Trồng loại rau gần giống cây dại, người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ - 1

Cây rau xà lách xoong mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân xã Gio An (Ảnh: Đăng Đức).

Những năm trước, rau xà lách xoong của người dân Gio An, huyện Gio Linh có mặt ở thị trường các tỉnh miền Trung, thậm chí vào tận TPHCM. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến rau xà lách xoong tiêu thụ chậm hơn, nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân.

Gia đình bà Hoàng Thị Liễu (thôn Hảo Sơn, xã Gio An) trồng hơn một sào (500 m2) rau xà lách xoong. Những năm trước, gia đình bà Liễu thu hoạch rau bán được hơn 40 triệu đồng, còn năm mất mùa cũng bán được 30 triệu đồng. 

Theo bà Liễu, người dân Gio An bắt đầu thu hoạch rau từ tháng 9 Âm lịch, kéo dài đến tháng 3 năm sau. Loại rau này ưa nước sạch, mát mẻ, thời tiết càng lạnh rau càng phát triển tốt.

Trồng loại rau gần giống cây dại, người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ - 2

Nhờ trồng rau, gia đình bà Liễu có nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng/vụ (Ảnh: Đăng Đức).

"Năm nay đầu ra khó khăn nên chưa bán được bao nhiêu. Giá rau đầu vụ khoảng 10.000 đồng/bó, hiện giá thấp hơn khoảng 5.000-7.000 đồng/bó", bà Liễu cho hay.

Ngoài trồng rau, gia đình bà Liễu còn làm thêm 3 sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà. Tuy nhiên, nguồn thu nhập từ cây rau đặc sản đã giúp gia đình bà Liễu cải thiện cuộc sống.

"Trồng rau liệt rất đơn giản, nếu đầu ra tốt thì hiệu quả sẽ rất cao. Đặc biệt, cây rau liệt mang lại thu nhập nhiều hơn các loại cây trồng khác", bà Liễu nói.

Trồng loại rau gần giống cây dại, người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ - 3

Trồng rau xà lách góp phần giải quyết việc làm thời vụ cho người dân (Ảnh: Đăng Đức).

Gia đình ông Trần Đức Hưng (trú thôn Hảo Sơn, xã Gio An) canh tác hơn 300 m2 rau liệt. Theo ông Hưng, vụ rau năm trước, gia đình cắt bán được gần 20 triệu đồng.

Trồng loại rau gần giống cây dại, người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ - 4

Xã Gio An canh tác từ 10-12 ha rau "đặc sản" ở vùng giếng cổ (Ảnh: Đăng Đức).

"Năm nay, đầu ra khó khăn hơn do dịch bệnh. Hiện tại giá rau đạt khoảng 7.000/bó. Với diện tích rau của gia đình, ước tính sẽ thu hoạch được gần 25 triệu đồng", ông Hưng chia sẻ.

Nhờ trồng rau mà gia đình ông Hưng có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và nuôi con học Đại học.

Trồng loại rau gần giống cây dại, người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ - 5

Ông Hưng cho rằng, hiệu quả cây rau mang lại gấp nhiều lần so với cây trồng khác (Ảnh: Đăng Đức).

Bà Trần Thị Kiều (xã Gio An, huyện Gio Linh) cho biết, gia đình canh tác hơn 2 sào rau liệt. Mỗi vụ rau, gia đình thu bán hơn 50 triệu đồng.

Trồng loại rau gần giống cây dại, người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ - 6

Mỗi vụ rau, chị Kiều thu hoạch bán hơn 50 triệu đồng (Ảnh: Đăng Đức).

Trồng loại rau gần giống cây dại, người dân thu hơn 50 triệu đồng mỗi vụ - 7

Cây rau ở vùng giếng cổ luôn xanh tốt, ưa thời tiết lạnh (Ảnh: Đăng Đức).

Xã Gio An có 10-12 ha rau xà lách xoong, riêng thôn Hảo Sơn chiếm đến 7 ha. "Những năm qua, cây rau xà lách xoong mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con địa phương. Bên cạnh đó, tạo được công việc mang tính thời vụ cho người dân. Mỗi gia đình có từ 2 lao động tham gia trồng rau, vụ rau kéo dài khoảng 4 tháng", lãnh đạo UBND xã Gio An cho biết.

Với hệ thống giếng cổ Chăm Pa đặc trưng và rau liệt đặc sản, xã Gio An định hướng phát triển hình thái du lịch cộng đồng để giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân.