1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đưa nhà máy "chạy" theo nguồn lao động: Nghe thì dễ, làm rất khó!

An Linh

(Dân trí) - Đưa nhà máy về các tỉnh xa để tìm nguồn lao động được xem là xu hướng, hợp lý để thực hiện. Tuy nhiên, thực tế, việc này cần rất nhiều yếu tố, điều kiện cần và đủ.

Chia sẻ với PV Dân trí, đại diện một doanh nghiệp may tại Gia Lâm (Hà Nội) cho biết đã di dời 3 nhà máy may về Hưng Yên, Hải Dương để giảm áp lực về chi phí đầu tư, vận hành và lao động. Tuy nhiên, anh này cho biết, để làm được điều đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị trước vài năm, nghiên cứu cách thức chuyển hàng, giao thông và hệ thống xử lý rác thải.

"Về tỉnh, áp lực của doanh nghiệp và người lao động đỡ hơn, cả về vấn đề thuê đất đai, nhà xưởng, chi phí nhân công. Thuận lợi nhất là nguồn lao động tại chỗ, người lao động địa phương sẽ được giải quyết công ăn việc làm, không còn phải ly hương", ông Dương Văn Hào - Giám đốc Công ty May Hưng Yên cho biết.

Đưa nhà máy chạy theo nguồn lao động: Nghe thì dễ, làm rất khó! - 1

Tuy nhiên, hiện không phải ngành, lĩnh vực nào cũng có thể chuyển đầu tư, chuyển nhà xưởng về tỉnh để tận dụng nguồn lao động rẻ. Chỉ một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh, địa phương đã xây dựng được các khu, cụm công nghiệp và nơi đó mật độ dân cư đông mới đáp ứng được các điều kiện.

"Thời điểm hiện tại khác với 10 - 20 năm trước đây. Lực lượng lao động trẻ có nhiều lựa chọn, có thể đi học, đi xuất khẩu lao động. Doanh nghiệp về tỉnh chỉ có lợi thế nếu địa phương có khu, cụm công nghiệp lớn, dân cư đông và có hạ tầng hoàn chỉnh. Các ngành may mặc, chế biến, thủ công nghiệp phù hợp hơn so với các ngành đòi hỏi chuyên môn, trình độ lao động cao. Doanh nghiệp luôn phải chấp nhận rủi ro thiếu lao động chuyên môn, phải chấp nhận lao động lớn tuổi (trên 30 tuổi và dưới 50 tuổi) vào làm việc", ông Hào cho hay.

Thực tế, để đón đầu xu hướng này, các địa phương cần quy hoạch, đầu tư các khu công nghiệp tập trung với hệ thống hạ tầng đi kèm như khu xử lý rác thải, nước thải tập trung. Cần thiết lập các khu công nghiệp quy mô lớn để đầu tư hạ tầng, quỹ đất và tập trung nhân lực, tránh khuynh hướng doanh nghiệp nhỏ lẻ, chia về các địa phương để tận dụng lao động giá rẻ hoặc lợi dụng xả thải ra môi trường.

Đưa nhà máy chạy theo nguồn lao động: Nghe thì dễ, làm rất khó! - 2

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế (Ảnh Hữu Nghị).

"Cần làm rõ việc dịch chuyển doanh nghiệp về tỉnh theo xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa khác với chuyển dịch từ tư duy tự phát kiểu chạy theo lao động giá rẻ, sự dễ dãi trong quản lý, kiểm soát các vấn đề môi trường, nhất là trong bối cảnh các địa phương đều được tự chủ chấp nhận dự án, để có được tăng trưởng ngắn hạn, trước mắt", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo.

Theo bà Lan, để hài hòa với mục tiêu của doanh nghiệp khi chuyển dịch từ các đô thị lớn về các tỉnh vùng ven nhằm giảm áp lực hạ tầng, chủ động được lao động, giảm chi phí an sinh, xã hội và tạo việc làm ở các địa phương, các tỉnh vùng ven đô thị lớn cần đáp ứng các yếu tố bền vững như: Xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, trong đó điện, nước, hạ tầng logistic và xây dựng các khu công nghiệp tập trung.

Về bản chất, dịch chuyển các doanh nghiệp về tỉnh là xu hướng của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các trung tâm công nghiệp, nơi tập trung các doanh nghiệp lớn sẽ khó có cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ. Chi phí sinh hoạt, giá thuê nhà đắt đỏ sẽ đào thải những lao động phổ thông, lao động có mức lương thấp. Đây là quá trình sàng lọc tự nhiên, đào thải doanh nghiệp, người lao động khỏi các đô thị, khu công nghiệp lớn.

Tại Hà Nội, TPHCM, chức năng của các siêu đô thị với khoảng 10 triệu dân chỉ nên phát triển trở thành các trung tâm tài chính, công nghệ cao, dành quỹ đất cho các dự án có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi ít lao động. Các doanh nghiệp ở các đô thị lớn, đòi hỏi phải có ứng dụng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng lớn hơn so với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, phát triển bằng hình thức gia công, tham gia vào chuỗi sản phẩm xuất khẩu.

Đưa nhà máy chạy theo nguồn lao động: Nghe thì dễ, làm rất khó! - 3

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Theo GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, về bản chất, nhà nước nên khuyến khích và đây cũng là khoảng lặng để nền kinh tế cơ cấu lại các chức năng của mình. Đưa các doanh nghiệp, nhà máy về địa phương cần chiến lược bài bản với việc xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý rác, khí và nước thải. Ngoài ra, đây cũng là điều kiện để xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, quy hoạch các đô thị mới trong tương lai.