Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi): Nhiều điểm mới phù hợp thực tế

Phan Minh

(Dân trí) - Việc sửa đổi Luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy, hỗ trợ lực lượng chuyên trách. Đồng thời qua đó quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy…

Một số điểm mới về Dự án Luật phòng, chống tệ nạn xã hội (sửa đổi)

Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nhiệm vụ soạn thảo trình các cơ quan chức năng dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự kiến, dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và bỏ phiếu thông qua vào năm 2021.

Mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng  

So với Luật hiện hành, dự thảo sửa đổi Luật đã mở rộng thêm phạm vi và đối tượng áp dụng, qua đó đảm bảo sự bao quát và tránh để lọt đối tượng điều chỉnh.

Cụ thể, dự thảo quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến  ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo đã bổ sung Điều luật quy định đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy. Trong phần giải thích từ ngữ, dự luật đã tách khái niệm "tội phạm về ma túy" ra khỏi "tệ nạn ma túy".

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi): Nhiều điểm mới phù hợp thực tế - 1

Một vụ án xét xử tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" vào năm 2019 tại Thái Bình.

Điều này nhằm xác định đúng tính chất của "tội phạm về ma túy" và "tệ nạn ma túy". Bởi tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được qui định trong Bộ luật Hình sự. 

Cụ thể hơn trách nhiệm

Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật đã bổ sung thêm nội dung để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được thực hiện để đấu tranh với tội phạm ma túy hiệu quả hơn.

Đơn cử như việc phối hợp với các cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để tiến hành trao đổi thông tin và phối hợp điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia. 

Dự thảo còn mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vị địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định rõ việc tăng cường nguồn lực cho các lực lượng chuyên trách, tạo cơ chế đặc thù, cụ thể: Phương tiện, tài sản bị tịch thu trong các vụ vi phạm pháp luật về ma túy thì được giao cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi): Nhiều điểm mới phù hợp thực tế - 2

Lực lượng công an khám phá một vụ án ma túy.

Kiểm soát chặt các hoạt động hợp pháp về ma túy

Dự thảo bổ sung quy định thêm nội dung: Chính phủ quy định về nội dung, điều kiện, thủ tục, cơ chế phối hợp, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các hoạt động kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, hiệu quả trong công tác, góp phần chống thất thoát tiền chất, ngăn chặn tội phạm sản xuất ma túy.

Đồng thời, dự thảo sửa đổi luật đã bổ sung thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất là các loại thuốc cần được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp.

Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy 

Cũng theo dự thảo, việc xác định người sử dụng trái phép chất ma túy căn cứ vào một trong 3 cơ sở: Bị phát hiện khi đang sử dụng trái phép chất ma túy; Xét nghiệm có dương tính với chất ma túy mà người đó không chứng minh được việc sử dụng chất ma túy là hợp pháp; Quy định các cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế đối với trường hợp không hợp tác để xét nghiệm xác định việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy; gia đình, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn với người sử dụng trái phép chất ma túy; trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định Công an cấp xã có trách nhiệm thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quản lý.

Trong dự thảo cũng bổ sung thêm nội dung: người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với "người nghiện ma túy", ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người khác. Theo đó, áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.