1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cô gái vùng biên kiếm 60 triệu đồng mỗi tháng từ thổ cẩm

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Là thành viên của gia đình duy nhất còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang, chị Saphynah sau khi đi du nước ngoài đã quyết về quê làm giàu, phục hưng nghề truyền thống.

Chị Saphynah (33 tuổi, ngụ xã Châu Phong, Tân Châu, An Giang) là chủ xưởng dệt thổ cẩm Chăm duy nhất còn hoạt động ở đầu nguồn sông Hậu. Xưởng dệt của chị Saphynah đang giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương.

Cô gái vùng biên kiếm 60 triệu đồng mỗi tháng từ thổ cẩm - 1

Khung cửi truyền thống của người Chăm (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Saphynah chia sẻ, cộng đồng người Chăm nơi đây đặc trưng bởi trang phục làm từ thổ cẩm và đặc sản lạp xưởng bò. Thế nhưng nghề dệt thổ cẩm, một trong những đặc trưng của vùng đất từng có thời gian biến mất.

"Ngày tôi còn rất bé, ngôi làng được gọi là làng dệt, tiếng máy luôn rộn ràng. Nhưng khoảng 30 năm trước, hàng thổ cẩm không bán được, thợ dệt không còn thu nhập nên cả làng đồng loạt bỏ nghề.

Vì di nguyện của ông nội, suốt thời gian dài cha tôi vẫn giữ lại khung cửi, đó cũng là khung cửi duy nhất của làng", chị Saphynah nói.

Nhiều người thuộc thế hệ thanh niên như chị Saphynah đã đi học rồi chọn định cư ở thành phố lớn. Chị Saphynah cũng đi du học và có thời gian định cư ở nước ngoài với thu nhập tốt.

Cô gái vùng biên kiếm 60 triệu đồng mỗi tháng từ thổ cẩm - 2

Chị Saphynah đã từ bỏ công việc ở nước ngoài để về quê phục hưng nghề dệt thổ cẩm (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhưng những lần về quê, thấy cha vẫn lau chùi khung cửi cũ dù "vô dụng", chị Saphynah nảy ra suy nghĩ phải có trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống.

"Năm 2015, tôi về nước với dự định phục hưng nghề dệt. Tuy nhiên, vì xã hội đã không còn nhiều nhu cầu hàng thổ cẩm, tôi phải tìm đầu ra khác.

Ban đầu tôi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sau này tôi dần xây dựng xưởng dệt thành nơi tham quan, bán hàng lưu niệm tại chỗ cho khách, doanh thu đang rất ổn", chị Saphynah cho biết.

Lúc mới phục hồi lại xưởng dệt, chị Saphynah chỉ dùng 2 khung cửi. Nhưng với nhu cầu hàng ngày càng nhiều, chị đã mở rộng quy mô thành 10 máy dệt. Các mặt hàng chủ yếu của xưởng gồm khăn rằn, khăn choàng, mũ, áo, túi xách…

Ở nơi đón khách tham quan, các máy dệt đều hoàn toàn thủ công, sản xuất theo cách cổ xưa. Khung cửi có cấu tạo độc đáo, vải thổ cẩm được tạo tác hoa văn đặc sắc khiến người xem thích thú.

Cô gái vùng biên kiếm 60 triệu đồng mỗi tháng từ thổ cẩm - 3

Các sản phẩm thổ cẩm được các thợ dệt của xưởng chị Saphynah làm ra (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Hasanah (40 tuổi) hiện là một thợ dệt chuyên biểu diễn cho khách du lịch tham quan. Chị Hasanah cho biết trước đây thợ dệt đều thuộc hợp tác xã, nhưng vì không bán được hàng nên hợp tác xã đã ngừng hoạt động.

"Tôi đã thất nghiệp nhiều năm. Mấy năm nay nhờ chị Saphynah mở xưởng nên mọi người có việc làm ổn định. Mọi người đều rất mừng khi nghề truyền thống vẫn được duy trì", chị thợ dệt chia sẻ.

Nữ chủ xưởng dệt cho biết ngày nào cũng có khách đến tham quan, có những đoàn gần trăm người. Trung bình mỗi khách chi khoảng 300.000 đồng mua hàng lưu niệm tại xưởng.

"Khách nước ngoài thường tập trung những tháng cuối năm, thời gian này tôi có thu nhập 50-60 triệu đồng mỗi tháng. Những tháng còn lại cũng có thu nhập khá. Thợ dệt được trả công 150.000 đồng/ngày, nếu ngày đông khách thì có thêm phụ phí", chị Saphynah chia sẻ.