1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người phụ nữ Mường với đam mê phát triển nghề dệt thổ cẩm

Bình Minh

(Dân trí) - Không chỉ phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà Phạm Thị Bảo (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương.

Với mong muốn giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình, gần 15 năm nay, bà Phạm Thị Bảo (SN 1954, ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã mang tâm huyết của mình giữ gìn, phát triển sản phẩm vải thổ cẩm dệt tay của người Mường, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề dệt thổ cẩm, 10 tuổi, bà Bảo đã được mẹ dạy cho những đường chỉ đầu tiên. Năm 16 tuổi, cô gái Mường Phạm Thị Bảo đã thành thạo việc ngồi vào khung cửi, dệt nên những chiếc váy Mường cho mình.

Người phụ nữ Mường với đam mê phát triển nghề dệt thổ cẩm - 1

Bà Phạm Thị Bảo cho biết nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là tơ tằm.

Với niềm trăn trở đó, năm 2007, bà Bảo mở cơ sở dệt thổ cẩm ở làng Nhỏi với số vốn ban đầu là 15 triệu đồng cùng sự ủng hộ của 4 chị em khác trong gia đình và  bản.

Đến năm 2010, cơ sở của bà Bảo có 15 phụ nữ tham gia dệt thổ cẩm, trong đó, người này học người kia, ai biết nhiều làm nhiều, ai biết ít làm ít. Chính bà Bảo cũng mất nhiều thời gian và công sức cầm tay chỉ việc cho các chị em trong cơ sở của mình để làm sao sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nhất.

Người phụ nữ Mường với đam mê phát triển nghề dệt thổ cẩm - 2

Tạo khung là một trong những công đoạn của dệt thổ cẩm.

Do cơ sở của gia đình còn hạn chế về quy mô và diện tích nên bà đã phối hợp với 21 phụ nữ khác có khung dệt tại nhà, để cùng làm ra sản phẩm.

Đến nay, cơ sở của bà Bảo đã thu hút 36 phụ nữ với việc làm thường xuyên, thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Bà Bảo cũng được mời tham gia nhiều lớp truyền nghề cho bà con dân tộc Mường ở các huyện khác trong tỉnh.

Người phụ nữ Mường với đam mê phát triển nghề dệt thổ cẩm - 3

Bà Bảo "cầm tay chỉ việc" cho nhiều chị em phụ nữ.

Những ngày đầu thành lập, tổ hợp dệt của bà khó khăn đủ bề không những khó khăn trong việc truyền nghề cho lớp trẻ mà còn thiếu vốn, phương tiện sản xuất, thị trường tiêu thụ. Mỗi tổ viên phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm dệt của mình bằng cách mang đi bán lẻ hoặc gửi nhờ các cửa hàng lưu niệm bán giúp.

"Phải làm sao cho lớp trẻ bây giờ chúng yêu nghề, muốn học nghề đã khó, dạy cho chúng từ đường kim mũi chỉ càng khó hơn. Ngày xưa 10 tuổi, chúng tôi đã được bà mẹ dạy cho rồi, giờ chúng mới được tiếp cận thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều" - bà Bảo tâm sự.

Theo chị Phạm Thị Hải, một người thợ của cơ sở, với thu nhập không cao lắm từ nghề dệt cũng như trong thời buổi hiện nay, phải cạnh tranh nên chỉ những người yêu nghề mới có thể theo được.

Người phụ nữ Mường với đam mê phát triển nghề dệt thổ cẩm - 4

Sau những sản phẩm mà chị em phụ nữ tạo ra, bà Bảo đều phải kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng.

"Dù vậy, mức thu nhập không cao lắm, từ 3,5-5 triệu đồng/tháng thế nhưng đã là nguồn động viên cho nhiều phụ nữ không có công ăn việc làm ở miền núi" - chị Hải nói.

Chị Hải cũng như những người làm nghề dệt thổ cẩm mong muốn các cấp, các ngành sẽ có những chính sách đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Mường.

Người phụ nữ Mường với đam mê phát triển nghề dệt thổ cẩm - 5

Những chiếc túi dệt từ thổ cẩm có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, bằng tâm huyết và đam mê, bà Phạm Thị Bảo đã truyền lửa cho những người phụ nữ Mường cùng bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Hiện bà Bảo đang được huyện Ngọc Lặc làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Cũng theo ông Đạt, việc giữ gìn nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì thế, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm.