Thanh Hóa:
Du học sinh tại Israel về quê làm nông nghiệp, dễ dàng kiếm nửa tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Bằng kinh nghiệm học được từ Israel, Dương Văn Khoa đã khiến những cây trồng chỉ phù hợp khí hậu phía Nam có thể sống được ở xứ Thanh, mỗi năm cho thu nhập nửa tỷ đồng.
Du học trở về làm nông dân
Không chỉ theo học ngành nông nghiệp, Dương Văn Khoa (SN 1989, trú tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) còn có một năm thực tập sinh tại Israel, chàng trai này sớm tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, được tham gia sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, Khoa tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc những loại cây trồng khó tính.
Cuối năm 2016, trở về quê hương, anh Khoa nhận thấy quỹ đất rất rộng nhưng người dân quê anh chỉ trồng những loại cây hiệu quả kinh tế không cao.
Chàng trai trẻ quyết định khởi nghiệp bằng việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên chính mảnh đất quê mình.
Sau khi đầu tư hơn 400 triệu đồng để san bằng vườn đồi sau nhà, anh Khoa đã chọn dưa kim hoàng hậu làm sản phẩm đầu tay.
Theo anh Dương Văn Khoa, để trồng được dưa lưới thì phải xây dựng nhà màng và mua công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Ban đầu anh cũng rất trăn trở việc thời tiết, thổ nhưỡng ở miền Nam phù hợp, dưa lưới phát triển tốt trong khi khí hậu quê mình khắc nghiệt, không biết loại cây này có chịu được không. Tuy vậy, anh vẫn quyết định chuyển đổi 3.000m2 đất đồi để trồng dưa lưới.
Dù đã rất cẩn thận nhưng ngay vụ dưa đầu tiên, khoảng 40-45 ngày thì vườn dưa của anh hỏng do gặp phải trận mưa kéo dài, dưa trồng bị nấm, sâu bệnh liên miên... Vụ đầu trắng tay, Khoa có chút khủng hoảng nhưng không bỏ cuộc.
Khoa lên mạng tìm đọc về kỹ thuật trồng dưa, rồi cần mẫn đến học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn dưa lớn để tìm cách khắc phục mỗi khi cây dưa vàng mắc bệnh.
Thành công khi tìm ra điểm cốt yếu, chàng kỹ sư nông học đã thu được 1 tấn dưa vàng trong vụ tiếp theo, lợi nhuận 50 triệu đồng (đã trừ chi phí). Đến nay, anh đã có gần 1ha đất trồng dưa.
Nhờ nắm vững kiến thức và kỹ thuật trong sản xuất dưa vàng nên đến nay, mỗi vụ, gia đình anh thu được khoảng 5 tấn sản phẩm.
"Mạo hiểm" với dâu tây
Không dừng lại ở cây dưa, đầu năm 2019, anh Khoa tiếp tục thử nghiệm với cây dâu tây. Theo anh Khoa, dâu tây là nông sản có giá trị kinh tế cao nhưng cũng là loại cây khó tính, đòi hỏi nhiều công chăm bón. Hơn nữa, với khí hậu của Thanh Hóa, việc trồng thành công dâu tây chính là một thử thách không dễ, đòi hỏi nguồn vốn lớn, sự kiên trì, sáng tạo, vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế.
Để chuẩn bị hành trang cho mình, anh Dương Văn Khoa đến Đà Lạt, Mộc Châu - những vùng trồng dâu tây có tiếng của cả nước, tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng dâu tây và những đặc tính phát triển của loại nông sản khó tính này. Sau gần một năm tìm hiểu, chàng trai trẻ quyết định thực hiện ý tưởng của mình tại quê.
Những cây dâu tây đầu tiên của vùng đất Đà Lạt đã được anh Khoa đưa về trồng trên khu vườn đồi xã Cẩm Ngọc. Ban đầu, anh chỉ trồng khoảng 500m2 trong nhà lưới để vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm.
Năm đầu tiên, phần do giống, phần vì kỹ thuật chưa ổn nên vườn dâu của anh Khoa cho quả nhỏ, năng suất không cao và thời gian thu hoạch ngắn. Tuy nhiên, những năm sau, vườn dâu của anh Khoa đã cho kết quả ngoài mong đợi, sản lượng tăng cao.
Hiện diện tích dâu tây của anh Khoa đã mở rộng tới 1ha, trung bình mỗi tuần có khoảng 150-200 lượt khách đến tham quan, hái dâu tây. Nhiều khi nông trại không đủ dâu cho khách mua về làm quà.
"Trong quá trình làm việc ở Israel, mình học được kỹ thuật trồng cây dưa vàng, cây dâu tây, các loại rau, củ, quả thực phẩm khác… Ngoài ra, lúc rảnh rỗi, mình tự nghiên cứu, học thêm kiến thức, kỹ thuật trồng rau, làm nông nghiệp công nghệ cao trên mạng internet, sách, báo rồi quyết định về quê thực hiện ước mơ của mình", anh Khoa chia sẻ.
Theo tính toán của ông chủ vườn dâu này, mùa thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trung bình mỗi cây cho năng suất khoảng 200 tổng sản lượng dâu tây trên nông trại ước đạt khoảng 2 tấn. Với giá bán 250.000-350.000 đồng/kg, doanh thu vườn dâu của anh Khoa lên đến nửa tỷ đồng mỗi năm.
Sau khi hết mùa dâu tây, anh Khoa lại chuyển sang trồng dưa kim hoàng hậu, nông trại luôn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, với thu nhập 4-5 triệu đồng/người.
Ngoài bán hàng cho khách tham quan tại vườn, anh Khoa còn bán hàng online qua facebook, zalo cá nhân. Đồng thời, anh mang sản phẩm đi giới thiệu tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Đánh giá về mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Dương Văn Khoa, ông Bùi Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc nhận định, nông trại dù mới vận hành, hoạt động nhưng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Không những cho thu nhập cao, nông trại của ông Khoa còn tạo việc làm quanh năm cho nhiều lao động địa phương.
"Chúng tôi đang tổ chức cho thanh niên trên địa bàn tham quan học tập, chuyển giao kinh nghiệm để khi địa phương tìm được đầu ra ổn định sẽ khuyến khích bà con làm theo", Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc cho biết thêm.