Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng

Trần Thanh

(Dân trí) - Lặn lội từ Yên Bái sang Tuyên Quang tìm mua giống lợn rừng thuần chủng, đến nay, trang trại của ông Kiểm đã có tới hơn 120 con, mỗi năm đem về cho gia đình gần 500 triệu đồng.

Ông Lương Văn Kiểm (52 tuổi, ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, Yên Bái) đã thoát nghèo, dần khấm khá nhờ chịu khó học hỏi và quyết tâm làm giàu "không giống ai".

"Cơ nghiệp" 48 triệu đồng 

Cách đây 5 năm, gia đình ông Kiểm, cũng giống như đa số hộ dân khác tại xã Mậu Đông, lấy làm nông là nghề chủ đạo. Nhiều năm trôi qua, kinh tế gia đình không khá lên được, ông Kiểm tự đặt câu hỏi, phải làm gì để làm giàu.

Một lần đi chơi với bạn, ông Kiểm tình cờ phát hiện mô hình nuôi lợn rừng khá hay nên đã nảy sinh ý định đưa loài vật từ rừng này về quê để phát triển kinh tế.

Nghĩ là làm, sau khi tìm được mối liên hệ bán lợn rừng, ông Kiểm đã lặn lội tận từ Yên Bái sang huyện Na Hang (Tuyên Quang), đặt mua cặp lợn rừng giống thuần chủng đầu tiên. Ông Kiểm tả, con lợn giống nặng khoảng 100 kg, thân đen tuyền, răng nanh sắc nhọn và rất hung dữ. Ông Kiểm phải bỏ 48 triệu đồng để "tậu" bằng được .

Ngoài con giống đầu đàn này, ông Kiểm còn xuống Hòa Bình mua thêm một lợn rừng đực và 5 lợn rừng cái, đều là giống lợn rừng Thái Lan (loại F1), đã được nuôi từ trước.

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 1

Con lợn rừng đực giống thuần chủng mà ông Kiểm cất công sang tận Tuyên Quang để mua về trang trại (Ảnh: Trần Thanh).

Sau khi đã có giống lợn, điều khó khăn đầu tiên ông Kiểm gặp phải là gia đình không có đủ đất để làm chuồng trại chăn thả, cũng như đất để trồng cỏ nuôi lợn. Bên cạnh đó, ông Kiểm cũng phải hoay hoay vừa làm vừa mày mò học từ internet và kinh nghiệm của những người đi trước.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Kiểm bỏ tiền thuê một khu đất rộng khoảng 1 ha, quyết tâm "làm bằng được" trại nuôi lợn rừng. Đồng thời, ông cũng mạnh dạn chuyển đổi ruộng trồng lúa nước sang trồng cỏ voi, ngô, chuối để tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, ông Kiểm còn đầu tư xây hệ thống chuồng trại, ngăn nhiều chuồng nhỏ với diện tích 25 - 30 m2/chuồng cho lợn nái giống và lợn con. Diện tích còn lại ông quây lưới B40 thành các vườn nuôi tự nhiên để lợn có thể vận động, có nhà lán để đàn vật nuôi tránh mưa, nắng. Để tránh mất trộm lợn, ông Kiểm lắp đặt thêm camera xung quanh tường rào và bên trong khuôn viên trang trại. Tổng chi phí xây dựng trang trại nuôi lợn rừng của ông Kiểm hết khoảng 200 triệu đồng.

"Thành công đến từ những thất bại"

Thời gian đầu, khi mới bắt tay vào nuôi lợn rừng, ông Kiểm gặp rất nhiều khó khăn, lợn con cứ đẻ ra là chết. "Lợn mẹ đẻ 10 con thì phải chết tới 8-9 con. Lúc mới đưa con giống về, tôi chưa có kỹ thuật chăm sóc nên đàn lợn gầy còm, không phát triển. Cứ nghĩ tới việc bỏ vốn ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư mà thất bại, tôi lo sợ lắm, không biết phải sống ra sao", ông Kiểm kể.

Sau một thời gian vừa làm, vừa học, ông Kiểm dần nắm được kỹ thuật, quy trình chăm sóc lợn rừng. Ông cũng tự nghĩ hướng điều chỉnh, chăm sóc đàn vật nuôi hiệu quả hơn.

Ông chia sẻ, bản chất lợn rừng rất khỏe, nhưng khi mới sinh thì lợn rừng con khá yếu, vì môi trường sống của chúng đã bị thay đổi, cần phải tiêm chủng đầy đủ. Khi vượt qua được giai đoạn này, sức đề kháng của lợn rừng mạnh hơn lợn thường nhiều lần.

Ngoài ra, cách nuôi lợn rừng cũng khác với lợn thường, ngoài các bữa ăn chính (sáng, chiều) thì lợn rừng còn phải được cho ăn các bữa phụ gồm rau xanh, cỏ voi, lá chuối... (mỗi bữa phụ cách bữa chính khoảng 2 tiếng đồng hồ). Theo ông Kiểm, nơi nuôi lợn rừng cũng cần phải có một sân chơi rộng rãi để chúng có thể vận động thoải mái, không bị gò bó quá trong chuồng.

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 2

Đàn lợn rừng con lưng sọc dưa tại trang trại nhà ông Kiểm (Ảnh: Trần Thanh).

Về thức ăn của lợn rừng, gia đình ông cho đàn vật nuôi ăn chủ yếu là cám gạo, ngô và chuối. Đặc biệt, ông không cho lợn ăn cám công nghiệp vì như vậy thịt lợn không ngon như lợn tự nhiên nữa. Gia đình ông Kiểm cũng không sử dụng men để ủ thức ăn vì dễ làm vật nuôi bị đau bụng. Thay vào đó, gia đình ông dùng muối để ủ thức ăn cho lợn, vừa nhanh vừa tốt hơn cho đàn lợn.

Ông Kiểm hào hứng, say sưa kể, trung bình lợn rừng mẹ của gia đình đẻ 2,5 lứa/năm, mỗi lứa từ 6-8 con. Các con non khi sinh ra rất dễ bị bệnh do môi trường sống thay đổi, vì vậy ông khuyến cáo người nuôi cần đặc biệt chú ý tới việc tiêm phòng và chăm sóc lợn con giai đoạn từ 1-2 tháng đầu đời.

Chỉ từng con giống trong trại, ông Kiểm "mách" cách phân biệt lợn rừng thuần chủng với các loại F1, F2, F3... ở phần lông. Lông lợn rừng thuần chủng, ở phần cổ, khi nhổ sẽ thấy 3 chân ở mỗi sợi. Ngoài ra, lợn rừng thuần chủng khá hung dữ, chúng có thể tấn công khi thành viên trong đàn bắt hoặc có người chạm vào lợn con.

Sau gần 5 năm lập trại, từ 7 lợn giống ban đầu, hiện nay, gia đình ông Kiểm đã có đàn trên 120 con, trong đó 21 lợn cái sinh sản và 2 lợn đực giống. Sau 14-15 tháng nuôi, lợn có thể xuất chuồng bán với mức giá ổn định từ 180.000 - 200.000 đồng/kg hơi. Lợn giống thì tùy trọng lượng, có thể xuất chuồng với giá từ 700.000 đồng đến 4 triệu đồng/con. Trung bình, trang trại đem lại thu nhập cho gia đình ông Kiểm gần 500 triệu đồng/năm. Đầu ra sản phẩm của ông Kiểm chủ yếu là các tỉnh Lào Cai, Hà Nội và các nhà hàng tại địa phương.

Ông Phạm Tiến Duy - Phó chủ tịch xã Mậu Đông cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có 4 mô hình phát triển kinh tế, đều là về chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trong đó mô hình nuôi lợn rừng của gia đình ông Kiểm.

"Để động viên và khích lệ người dân phát triển kinh tế từ những mô hình chăn nuôi có hiệu quả, trong thời gian vừa qua, chính quyền đã đăng ký cho các hộ chăn nuôi giỏi trên địa bàn nhận hỗ trợ kinh phí để tiếp tục đầu tư, phát triển trang trại. Cơ sở chăn nuôi của gia đình ông Kiểm là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Chính quyền cũng khuyến khích và mong muốn người dân học hỏi, phát triển nhiều mô hình kinh tế hơn nữa trên địa bàn xã", ông Duy chia sẻ.

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 3

Thức ăn chủ yếu cho lợn rừng ăn là cám ngô, gạo đã ủ muối (Ảnh: Trần Thanh).

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 4

Ông Kiểm cho đàn lợn rừng thương phẩm ăn (Ảnh: Trần Thanh).

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 5

Lợn rừng trưởng thành lông đen tuyền, có nanh dài và khá hung dữ (Ảnh: Trần Thanh).

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 6

Theo ông Kiểm, khu vực nuôi lợn rừng cũng cần phải có một sân chơi rộng rãi, để chúng có thể vận động thoải mái, không bị gò bó quá trong chuồng (Ảnh: Trần Thanh).

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 7
Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 8

Giá lợn giống con từ 700.000 đến 4 triệu đồng/con tùy kg (Ảnh: Trần Thanh).

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 9

Thức ăn cho lợn rừng con là cám gạo, cám ngô khô đã ủ từ trước (Ảnh: Trần Thanh).

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 10

Để làm trại nuôi lợn rừng, ông Kiểm phải thuê một mảnh đất rộng khoảng 1 ha để có... sân chơi cho đàn vật nuôi (Ảnh: Trần Thanh).

Đưa loài vật từ rừng về nhà nuôi, mỗi năm kiếm nửa tỷ đồng - 11

Mỗi con lợn rừng thương phẩm sẽ có giá bán từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. Trong ảnh, thương lái đến đặt và mua lợn của gia đình ông Kiểm (Ảnh: Trần Thanh).