1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đời công nhân quét đường, bố mẹ đi làm, con trẻ cũng không có Tết

Phương Nhi

(Dân trí) - Đêm Giao thừa, vợ chồng chị Loan bỏ hai con nhỏ ở lại phòng trọ, nén buồn tủi, lặng lẽ ôm cây chổi ra đường, tiếp tục công việc làm đẹp cho thành phố những ngày Tết.

Năm nào giao thừa cũng "quần"... rác 

Đời công nhân quét đường mưu sinh xuyên Tết

Đời công nhân quét đường, bố mẹ đi làm, con trẻ cũng không có Tết - 1

Khi người dân xuống phố đón mừng năm mới, những công nhân quét rác lại miệt mài làm việc dưới ánh đèn đường để làm đẹp cho thành phố đón Tết.

Dù TPHCM không tổ chức bắn pháo hoa, người dân Sài Gòn vẫn nô nức xuống phố dạo chơi, lễ chùa đón mừng thời khắc chuyển giao năm mới. Như thường lệ, đây là lúc công nhân quét rác miệt mài, khẩn trương làm việc hơn bao giờ hết. Tiếng xe cộ lấn át tiếng chổi đêm, như dòng chảy mưu sinh vô tình cuốn đi niềm vui ngày Tết của những người làm "nghề rác".

Ba năm làm công nhân quét rác ở quận 3, TPHCM cũng là chừng đó thời gian chị Huỳnh Thị Loan (41 tuổi) không đón Giao thừa bên 2 con nhỏ. Chiều 29 Tết năm nay, trong khúc nhạc xuân và sự háo hức của mọi nhà, vợ chồng chị mệt nhoài khi chạy xe máy gần 20km đi làm.

Đời công nhân quét đường, bố mẹ đi làm, con trẻ cũng không có Tết - 2

Chị Loan mồ hôi nhễ nhại, quét rác ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3, TPHCM).

Từ ngày bố mẹ vào "nghề rác", 2 đứa trẻ mới học lớp 1 và lớp 9 cũng tập quen với việc không có Tết. "Đêm Giao thừa chỉ có anh em nó lủi thủi chơi với nhau. Tết bỏ con ở nhà tội lắm nhưng vì công việc, phải chấp nhận", chị Loan nói.

Cao điểm Tết bắt đầu từ 25 tháng Chạp, rác thải cũng từ đó tăng vọt vì ai nấy đều tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Những ngày này, chị tan làm đã gần 4h sáng, tranh thủ chợp mắt chốc lát rồi tiếp tục mưu sinh lúc vừa chiều.

Đời công nhân quét đường, bố mẹ đi làm, con trẻ cũng không có Tết - 3

Tết là khoảng thời gian vất vả nhất năm của những công nhân quét rác.

Công việc không cho phép chị thong thả sắm Tết, nấu bữa cơm gia đình thật đủ đầy hay ngồi đếm ngược cùng con. Theo chị, Tết là khoảng thời gian vất vả nhất trong năm, quét và thu gom rác đến không kịp thở, mồ hôi ướt đẫm. Thế nhưng chị lại trông mong đến Tết hơn tất cả. 

Nữ công nhân lý giải: "Thưởng Tết của tôi là 2 tháng lương hơn 10 triệu đồng và quà bánh. Làm cả năm chỉ chờ nhiêu đó vì lương tháng lãnh ra là chi tiêu hết, chưa kể năm nay Covid nên thu nhập còn bị giảm sút nặng nề". 

Đời công nhân quét đường, bố mẹ đi làm, con trẻ cũng không có Tết - 4

Nén nỗi buồn nhớ con, chị Loan cố hoàn thành công việc.

Nghề vừa nguy hiểm, vừa buồn hơn vui 

Cũng là công nhân quét rác như chị Loan, chị Huỳnh Thị Kim Trúc (39 tuổi) tâm sự, năm nay chị không sắm sửa bộ đồ mới nào cho cô con gái 16 tuổi, cơm canh cũng đạm bạc như ngày thường. Năm Covid-19 khiến chị "tả tơi" nên "giờ có lương, có thưởng cũng phải dành dụm qua Tết chi tiêu".

Đời công nhân quét đường, bố mẹ đi làm, con trẻ cũng không có Tết - 5

Theo chị Trúc, quét rác là nghề có nhiều nguy hiểm rình rập, dễ xảy ra tai nạn lao động, nhiều trường hợp coi thường, thậm chí kỳ thị công việc này.

Chị Trúc kể, hơn 5 năm trước, vì thấy mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng khi làm công nhân may quá bấp bênh, chị quyết định chuyển sang làm nghề quét rác. Cơ duyên đến với nghề nghe qua đơn giản, nhưng để gắn bó với nó không hề dễ dàng bởi luôn có nguy hiểm rình rập và thường xuyên đối mặt với những lời "khó nghe".

"Làm nghề này buồn nhiều hơn vui", chị Trúc nhận xét. Khi quét rác trên phố hay thu gom rác hợp đồng, không ít lần chị gặp người thản nhiên vứt rác vô tội vạ ngay trước mặt mình. Đáng buồn hơn là trường hợp coi thường, thậm chí kỳ thị công việc này. Chưa kể những hôm tan làm về muộn, một mình chạy xe trong đêm, chị thấp thỏm lo sợ đủ điều. 

Đời công nhân quét đường, bố mẹ đi làm, con trẻ cũng không có Tết - 6

Ông Sướng không ít lần bị xe va quẹt nhưng may mắn không xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Ông Đặng Văn Sướng (59 tuổi), một công nhân quét rác 27 năm kể, đã không ít lần ông và nhiều đồng nghiệp khác "xém chút" gặp tai nạn trong lúc làm việc. Nhiều người say xỉn hoặc cúi đầu dùng điện thoại trong lúc chạy xe, đâm thẳng vào xe rác, công nhân quét rác trong đêm. 

"Mình chỉ biết tập trung quét cho kịp giờ nên đâu để ý, vô tình bị xe đụng trúng hoài nhưng tôi la lên, kịp thời tránh né. May mắn là không xảy ra chuyện gì đáng tiếc", ông Sướng kể.

Theo những công nhân quét rác, vẫn còn nhiều tình huống éo le hơn, nhưng họ chẳng để tâm hay ghi nhớ trong lòng. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, họ vẫn lặng lẽ làm sạch đường phố, phục vụ xã hội. Để gắn bó với nghề đặc thù này, miếng cơm manh áo chỉ là điều kiện cần, còn sự hy sinh và tình yêu nghề mới là điều kiện đủ.