Nghề "rung đùi" thu chục triệu mỗi ngày dịp Tết
(Dân trí) - Với gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề, cứ mỗi dịp Tết, ông Tiến đánh bóng khoảng 20 bộ lư đồng/ngày, thu nhập có thể lên đến gần 10 triệu đồng.
Nhân dịp xuân về, ông Dương Tô Há (70 tuổi) muốn tìm một người thợ có tay nghề cao để tân trang 3 bức tượng phật có tuổi đời hàng chục năm. Chiều 26 tháng Chạp, ông Há quyết định ghé qua cửa hàng đánh bóng lư đồng ông chú ý mấy hôm nay vì rất đông khách. Từ xa có thể nghe âm thanh tiếng ồn phát ra từ máy mô-tơ và ánh loang loáng của những bộ lư đồng trước cửa.
"Nhớ làm thật đẹp nha, tôi quý 3 bức tượng này lắm!" - ông Há cẩn thận dặn dò ông Trần Thành Tiến (64 tuổi), chủ cửa hàng đánh bóng lư đồng, hoạt động đã gần 30 năm trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Như một thói quen, ông Tiến phì cười cam đoan: "Cứ yên tâm, đẹp như mới". Ngoài thu nhập, ông Tiến đánh lư bởi yêu nghề và muốn góp sức trang hoàng bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình dịp Tết. Ông luôn đặt hết tâm huyết vào từng bộ lư, kể cả chi tiết nhỏ nhất.
"Không đẹp là không lấy tiền", ông quả quyết đáp lại.
Mỗi khi đến Tết Nguyên đán, người dân thường có nhu cầu làm mới lư đồng để bàn thờ tổ tiên tinh tươm, sáng đẹp. Việc làm này mang theo hy vọng xua đi điều không may của năm cũ, rước tài lộc về với gia đình dịp năm mới.
Nhờ vậy, từ 23 tháng Chạp, lư đồng được khách mang đến cửa hàng ông Tiến liên tục, xếp thành hàng dài từ nhà ra tới ngoài sân. Mỗi ngày ông nhận đánh bóng ít nhất 20 bộ lư, với giá từ 200.000-500.000 đồng, tùy theo kích thước và độ khó.
"Dù Tết hàng nhiều và gấp nhưng không thể làm ẩu vì đây là vật linh thiêng", ông Tiến nhấn mạnh. Vì thế, ông luôn hết sức tỉ mỉ và cẩn thận trong từng công đoạn vệ sinh, đánh bóng, lau bột và thổi bột.
Trong đó, công đoạn làm bóng là khó nhất, yêu cầu người thợ phải có kinh nghiệm, tập trung làm việc, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm hư cả bộ lư hoặc gặp tai nạn.
Những ngày giáp Tết, ông Tiến ngồi miệt mài đánh lư từ sáng sớm đến chiều tối. Để đổi lại mức thu nhập bạc triệu, đã mấy hôm nay ông chẳng có thời gian ăn cơm trưa đàng hoàng.
"Tối nào về lưng cũng đau, hai cái tay xụi lơ", ông kể thêm.
Đồng thời, công việc này không hề dễ dàng, phải đánh đổi bằng chính sức khỏe người thợ. Quanh khu vực ông Tiến đánh bóng, bụi đồng, bụi hóa chất mịt mù. Chỉ cần nán lại đôi chút là tay chân đen nhẻm, chiếc khẩu trang trắng trong chốc lát đã bám đầy bụi.
Ông Tiến tâm sự, ông cũng biết tiếp xúc bụi bặm, hóa chất lâu ngày dễ sinh bệnh, nhưng phải chấp nhận vì "cái nghề là cái nghiệp, mà yêu nó quá, biết làm sao bây giờ".