1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Độc đáo muốn ăn ốc phải dùng cử chỉ thay cho lời nói bán - mua

Hơn 20 năm qua, tại con phố ẩm thực Tống Duy Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một hàng ốc đặc biệt. Tại đây, cách giao tiếp duy nhất giữa khách hàng với chủ quán không phải bằng lời nói mà bằng nụ cười và cử chỉ tay.

Hơn 20 năm qua, tại con phố ẩm thực Tống Duy Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một hàng ốc đặc biệt. Tại đây, cách giao tiếp duy nhất giữa khách hàng với chủ quán không phải bằng lời nói mà bằng nụ cười và cử chỉ tay.

Cử chỉ thay lời nói

Quán ốc nhỏ của bà Hàn Tuyết Khánh (SN 1960) được khách hàng đặt cho cái tên quen thuộc “Ốc bà câm”. Sở dĩ có cái tên như vậy bởi cả hai vợ chồng bà Khánh đều là người khiếm thính.

Theo lời kể của những người hàng xóm, ngày còn nhỏ do bị sốt cao, bà Khánh bị biến chứng dẫn đến khả năng nghe, nói bị kém. Hơn 50 năm nay, bà giao tiếp với mọi người qua những cử chỉ của đôi tay.

Độc đáo muốn ăn ốc phải dùng cử chỉ thay cho lời nói bán - mua - 1

  Quán ốc nhỏ của bà Khánh nằm trong con phố ẩm thực Tống Duy Tân. 

Quán "Ốc bà Câm" mở cửa từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối hàng ngày. Thực đơn của quán không phải là những tờ giấy được ép plastic mà là những bát ốc nhỏ đủ loại được đặt trong chiếc tủ kính. Khách hàng muốn thưởng thức loại ốc nào chỉ cần chỉ vào món đó và giơ kí hiệu số bằng ngón tay.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm, đôi bàn tay của bà Khánh thoăn thoắt chế biến những món ốc được khách gọi một cách khéo léo. Đồng thời, những ngón tay ấy cũng thuần thục thể hiện từng con số khi khách cần thanh toán. 

Chị Phạm Thị Mơ (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Lần đầu đến đây, tôi rất bất ngờ với cách gọi món của quán. Quán ốc nhỏ nằm giữa một con phố ẩm thực, không bảng hiệu, không lời mời chào, chỉ vỏn vẹn trong vài mét vuông đất vỉa hè. Cô chủ thân thiện, luôn niềm nở với khách hàng. Dù cô không nói được, chỉ dùng những cử chỉ bằng tay và nụ cười nhưng mọi người đến quán đều cảm thấy thoải mái.”

Bán hàng bằng chữ tâm

Bí quyết để giữ chân khách hàng suốt hơn 20 năm qua của bà Khánh nằm ở chất lượng các món ăn. Để có những bát ốc thơm ngon, đượm vị, bà Khánh đi chợ từ 6 giờ sáng, lựa từng mẻ ốc ngon, những con ốc to đều.

Ốc được rửa sạch, ngâm kĩ và trộn với một ít mẻ để khử bớt mùi tanh. Tất cả những nguyên liệu khác của quán cũng được bà chuẩn bị kỹ lưỡng.

Độc đáo muốn ăn ốc phải dùng cử chỉ thay cho lời nói bán - mua - 2

Tay làm, miệng cười thân thiện và ánh mắt hiền từ của bà Khánh là ấn tượng khó quên trong lòng bất cứ ai đến ăn ốc.

Khách hàng ra hiệu món ốc nào bà sẽ nhanh tay luộc mẻ ốc đấy. Những nồi nước sôi luôn được đặt sẵn trên chiếc bếp dầu để có thể luộc ốc một cách nhanh nhất nhưng đảm bảo ốc đủ chín, giữ được độ ngon, ngọt.

Nước chấm ốc cũng là một điểm nhấn của “quán bà câm”. Từ sả, gừng, ớt, quất, lá chanh đến nước mắm, đường được bà Khánh pha trộn theo một tỉ lệ nhất định để có được bát nước chấm đượm vị khiến bao người phải xuýt xoa.

Song có lẽ, điều cuốn hút nhất ở quán ốc đặc biệt này là nụ cười và cái vẫy tay chào thay cho lời cảm ơn mà mà Khánh luôn gửi tới bất kỳ khách hàng nào đến và rời đi. 

Độc đáo muốn ăn ốc phải dùng cử chỉ thay cho lời nói bán - mua - 3

Ốc ở quán và Khánh luôn gây thương nhớ cho người ăn.   

Anh Đỗ Văn Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi biết đến quán ốc qua một diễn đàn trên mạng xã hội. Bản thân cũng tò mò vì không biết tại sao quán lại có thể tồn tại được hơn 20 năm mà luôn đông khách dù cô chủ là người khiếm thính, việc giao tiếp gặp khó khăn. Khi đến thưởng thức ốc của quán thì tôi đã tìm được câu trả lời. Ốc được làm sạch, cẩn thận. Khi khách gọi, từng đĩa ốc nóng hổi được bưng ra. Tuy giá thành có cao hơn so với nhiều quán khác nhưng đổi lại chất lượng ốc tốt hơn rất nhiều”.

Theo Thu Hiền - Thanh Thanh

Báo Lao động