Theo người dân địa phương, nghề hấp cá không “có mùa có vụ”, hầu như làm quanh năm. “Xóm hấp cá” không chỉ hấp cá, mà hấp có đủ loại hải sản từ mực, cá nục, cá cơm, cá sọc dưa, cá ngừ… Ảnh: N.T
Cá sau khi mua về, tùy vào loại, nếu cá lớn những nhân công ở đây làm sạch, mổ ruột, cắt lát, xếp ngăn nắp vào các rổ tre để chờ cho vào lò hấp. Còn cá nhỏ thì chỉ việc làm sạch, hấp chín. Ảnh: N.T
“Nghề này cực lắm, nhưng thu nhập không đáng là bao. Vào những tháng này, biển động ít cá nên công làm khỏe hơn, chứ những tháng cao điểm, tui không có thời gian nói chuyện với anh đâu” - chị Nguyễn Thu Sương (40 tuổi, ở phường Hải Cảng) kể. Ảnh: N.T
Ở mỗi lò hấp có từ 3 - 5 lao động, chủ yếu là phụ nữ. Họ làm cật lực cả ngày mới xong một mẻ cá, có những lúc cá về nhiều, phải quần quật làm từ sáng sớm đến chiều mới xong. Nghề này ăn theo thành phẩm, trung bình mỗi ngày, thu nhập mỗi người từ 100-200 ngàn đồng. Ảnh: N.T
Không gian lò hấp chỉ rộng chừng vài chục mét vuông, nhưng nào là nồi to nồi nhỏ, cùng với bếp lửa cháy hừng hực. Mùi tanh của cá trộn với mùi khói bếp khiến không gian ngột ngạt, bức bách. Ảnh: N.T
Cứ đều đặn mỗi sáng, ông Hà Trọng Đào (56 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) đều chạy xe máy khoảng 30 phút từ thị trấn Diêu Trì về Quy Nhơn để thắp lửa lò hấp cá, thắm thoát đã hơn 20 năm ông gắn bó với nghề “cá ăn muối” này. Ảnh: N.T
“Công việc của tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng đến lò để nhóm lửa, đun nước cho sôi. Công việc vất vả, làm riết rồi thân nhiệt của cơ thể tôi bỗng dưng nóng hẳn lên, chưa kể mùi hôi hám bám riết lấy mình. Dù sau giờ làm khi về nhà tôi có tắm dầu gội, sữa tắm thế nào cũng không hết mùi. Không riêng gì tôi, khi vô đây ai cũng có mùi đặc trưng này” – ông Sơn hài hước nói. Ảnh: N.T
Theo ông Sơn, việc hấp cá rất vất vả nên công đoạn này do cánh đàn ông phụ trách, những rổ cá sau khi được làm sạch, xếp ngăn nắp rồi được đưa lần lượt vào lò hấp với nước đang sôi sùng sục trên bếp. Ảnh: N.T
Còn bà Nguyễn Thị Lan (65 tuổi) cho biết, ở đây một ngày hấp được cả tấn cá. Cá sau khi được hấp xong sẽ được gửi lên các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk,... tiêu thụ. Ảnh: N.T
“Tôi đã làm nghề này được hơn 30 năm rồi, nghề này hầu như làm quanh năm đến 27 tháng Chạp mới nghỉ, tới mùng 10 Tết phải làm rồi” – bà Lan chia sẻ. Ảnh: N.T
Theo UBND phường Hải Cảng, nghề hấp cá này đã làm từ lâu, khoảng trên 50 năm. Tại chợ cá Hải Cảng có khoảng 10 hộ với khoảng 40 - 50 công nhân đang theo nghề hấp cá với khoảng 2-3 tấn cá được tiêu thụ/ngày. Ảnh: N.T Theo Nguyễn Tri/Laodong.com.vn