Doanh nghiệp rục rịch giảm lương trước kỳ tăng lương tối thiểu
Để “đối phó” với đợt tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 theo Nghị định 103/CP sắp tới, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã không ngần ngại giảm lương cơ bản hoặc cắt giảm các khoản phụ cấp của công nhân (CN).
CN Cty V.D (huyện Hóc Môn, TP.HCM) ngừng việc yêu cầu Cty thay đổi cách tính lương.
Thay đổi cách tính lươngCuối tháng 10 vừa qua, gần 1.000 CN Cty TNHH T.O (Q.Gò Vấp, TPHCM) đã đồng loạt ngừng việc để phản đối cách tính lương mới của Cty. CN phản ảnh, ngay trong buổi sáng thứ 2 họp toàn Cty, ban giám đốc thông báo sẽ thay đổi hình thức trả lương từ lương thời gian sang lương sản phẩm và sẽ áp dụng ngay trong ngày.
Tuy nhiên, khi đột ngột thay đổi cách tính lương như vậy, ban giám đốc không hề lấy ý kiến CN, cũng không nói rõ đơn giá sản phẩm, cách tính thời gian tăng ca, khiến CN bất an, lo lắng. Đặc biệt, khi thay đổi cách tính lương, ban giám đốc đồng loạt hạ tiền lương cơ bản của tất cả CN xuống còn 3.190.000 đồng/tháng.
“Tôi vào làm việc tại Cty đã hơn 4 năm, tiền lương cơ bản của tôi là 3.450.000 đồng/tháng, người làm lâu năm thì được cao hơn. Bao nhiêu năm gắn bó, qua bao nhiêu đợt tăng lương mới được từng ấy, vậy mà bây giờ Cty nói giảm là giảm. Cách tính lương như vậy là không công bằng và thiệt thòi cho CN”, CN tên P nói.
Tương tự, tại Cty may mặc V.D (huyện Hóc Môn, TPHCM), gần 700 CN ngừng việc, yêu cầu Cty tăng lương cơ bản lên 100 đồng/tháng, điều chỉnh lại đơn giá, tiền tăng ca. CN trình bày, từ tháng 9.2014, Cty đột ngột giảm đơn giá mỗi sản phẩm xuống 200 đồng nhưng không giải thích lý do. Trong khi đó các khoản phụ cấp lại không tăng khiến thu nhập của CN bị giảm.
Hiện tại, Cty có 3 mức lương cơ bản gồm: CN vào trước năm 2011 có lương cơ bản là 3,5 triệu đồng, CN vào từ sau năm 2011 có lương cơ bản là 3,3 triệu đồng, CN mới vào có lương cơ bản là 3,1 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền lương cơ bản này không được thể hiện trên bảng lương của CN.
“CN yêu cầu Cty phải nâng lương cơ bản lên 100.000 đồng/tháng, tính lại lương cho dễ hiểu, điều chỉnh lại đơn giá. Lấy lý do Cty trả lương theo sản phẩm nên tiền lương cơ bản của CN, Cty không quan tâm. CN lâu năm cũng như người mới vào, tất cả đều tăng ca với đơn giá 17.000 đồng/giờ. Cách tính như vậy là thiệt thòi cho tất cả CN chúng tôi”, chị M, xưởng 1 nói.
Siết tiền chuyên cần, hạ thưởng năng suất…
Không chỉ thay đổi cách tính lương, chuyển từ lương thời gian sang tính lương sản phẩm, điều chỉnh đơn giá để hạ lương của CN, nhiều Cty còn cắt giảm các khoản phụ cấp, siết tiền chuyên cần, hạ thưởng năng suất…
Đơn cử tại Cty May mặc T.O (quận Gò Vấp, TPHCM), đầu năm 2014, khi Nhà nước có đợt tăng lương cơ bản, Cty cũng tăng, nhưng đã “cắt” của CN mỗi tháng 500.000 đồng (tiền phụ cấp). “Hiện tại, Cty có phụ cấp chuyên cần 150.000 đồng/tháng, nhưng khoản tiền rất dễ bị trừ. Mỗi ngày đi trễ 1 phút thôi thì bị cộng dồn lại, đủ 15 phút/tháng thì bị trừ “chuyên cần”.
Ra về bấm thẻ sớm 1 phút thì bị trừ 30 phút, bị nhắc nhở, lập biên bản thì bị trừ 50.000 đồng/lần, bị Cty lập biên bản 3 lần thì sẽ bị đuổi việc”, chị L - CN Cty T.O - nói.
Yêu cầu CN tăng ca liên tục, làm ngày đêm nhưng lại trả cho CN mức lương không thỏa đáng, giảm tiền chuyên cần… là tình trạng mà gần 100 CN Cty May P.Đ (quận Gò Vấp, TPHCM) đang phải chịu.
“Dịp cuối năm, đơn hàng nhiều, Cty bắt CN tăng ca liên tục nhưng lương thì giảm. Trong đó, cách tính lương thì nay tính theo sản phẩm, sau lại tính theo thời gian, tiền chuyên cần của CN từ 500.000 đồng/tháng xuống còn 250.000 đồng/tháng, CN thắc mắc thì Cty giải thích là sản lượng thấp nên tiền chuyên cần cũng giảm.
Cách giải thích của Cty thật ngược đời, năng suất thấp thì liên quan đến thưởng năng suất, còn thưởng chuyên cần là khuyến khích CN đi làm thường xuyên, nhưng Cty vẫn quyết trừ. Cty làm vậy là để hạ lương CN xuống, đến khi Nhà nước có đợt tăng lương tối thiểu, Cty tăng lên là vừa”, anh Đ - CN Cty - bức xúc.
Vừa qua, Bộ LĐTBXH đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, DN trên địa bàn thực hiện nghiêm việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 theo Nghị định 103/CP. Theo Nghị định 103/CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1.1.2015 tăng từ 250.000 đồng - 400.000 đồng so với năm 2014 (từ 13,2 % - 14,8% tùy theo từng vùng). Cụ thể là 3,1 triệu đồng (vùng I); 2,75 triệu đồng (vùng II); 2,4 triệu đồng (vùng III) và vùng IV là 2,15 triệu đồng. |
Theo Báo Lao Động