1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đổ xô đi săn loài côn trùng "phiêu lưu ký"

Xuân Sinh

(Dân trí) - Cứ đến độ tháng 8-9 âm lịch, người dân ở nhiều vùng quê của Hà Tĩnh lại lập đội đi săn dế. Không chỉ trẻ nhỏ, mà người lớn, cụ già cũng ra những cánh đồng đào dế.

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 1

Dế là loài côn trùng thuộc bộ cánh thẳng, có râu dài, cặp chân sau to, khỏe, có tập tính đào hang sống dưới đất. Dế ăn các loại cây cỏ non, rễ cây nhỏ, các phần thân non của cây. Ở Hà Tĩnh, người dân hay đi săn loài dế cơm, to bằng ngón tay, thịt thơm ngon, béo ngậy (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 2

Thường cứ đến tháng 8-9 âm lịch, khi thời tiết sang thu, với những cơn mưa nặng hạt, người dân ở các xã ven biển như Thịnh Lộc, Thạch Kim (huyện Lộc Hà), xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) bắt đầu mùa săn dế cơm (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 3

Không chỉ có trẻ nhỏ, người lớn, thậm chí các cụ già cũng đi săn dế. Có người bắt dế để phục vụ bữa cơm gia đình, có người đem bán cho các nhà hàng, quán ăn để kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 4

Có 2 cách săn dế cơm được người dân nơi đây sử dụng, đó là đổ nước vào hang, hoặc dùng cuốc để đào bắt. Công cụ để bắt dế, vì thế, cũng rất đơn giản, chỉ cần một chiếc can nhựa hoặc cuốc là có thể hành nghề. Thợ đào dế có kinh nghiệm thường bắt đầu công việc từ sáng sớm (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 5

Khi thấy hang dế, người dân sử dụng can nhựa múc nước đổ vào hang. Dế sặc nước, sau vài phút sẽ chui ra cửa hang. Cách thứ 2 là  dùng cuốc đào từng nhát rồi lần theo dấu đất lần xuống hang dế. Sau vài lát cuốc là có thể bắt được con vật tại "phòng ngủ" của "căn nhà" dưới lòng đất (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 6

"Hang của chúng chỉ sâu khoảng 30-40cm, nhưng cũng có những con đào hàng rất sâu đến 70-80cm. Ở đây là vùng đất cát nên chúng tôi dùng cuốc để bắt dế. Dế mùa này là béo nhất. Có ngày tôi bắt được 200-300 con dế cơm", anh Hoàng Văn Tuấn (xã Thịnh Lộc) cho biết (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 7

Các bãi đất trống rộng hàng nghìn mét vuông ở xã Thịnh Lộc chi chít hang dế. Mỗi hang dế thường có một con nhưng cũng có trường hợp trong hang có một con trống và nhiều con mái (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 8

"Khi đào hang làm tổ, dế thường đào hai ngách, gồm ngách chính và ngách phụ. Lúc gặp nguy hiểm hoặc bị tấn công, dế sẽ chạy sang ngách phụ để lẩn trốn. Người đi săn không có kinh nghiệm thì khó có thể phát hiện ra con vật "phiêu lưu ký" này lẩn trốn ở vị trí nào", anh Tuấn giải thích (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 9

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, anh Tuấn đã bắt được gần 100 con dế, dự định đưa về làm đĩa dế chiên. Nhiều người trong thôn khi bắt xong đem bán cho thương lái hoặc một số người dân trong vùng với giá 2.000 đồng/con (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 10

Theo chị Nguyễn Thị Thu (52 tuổi, xã Thịnh Lộc), con dế gắn liền với tuổi thơ mỗi người dân quê. Chính vì thế, với chị Thu, đi săn dế không chỉ là công việc mưu sinh, kiếm thêm thu nhập mà còn là khoảng thời gian vui vẻ, được quay về với tuổi thơ, với trò "đổ lỗ dế" ngày bé (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 11

"Lúc 9-10 tuổi, trẻ con chúng tôi cứ đến mùa là rủ nhau đi bắt dế. Đó là cả một bầu trời tuổi thơ tuyệt đẹp. Giờ đây, chúng tôi đi săn dế, ngoài việc mang lại một nguồn thu nhập đáng kể, thì cũng như được quay lại một thời trẻ dại, vui vẻ", chị Thu chia sẻ (Ảnh: Xuân Sinh).

Đổ xô đi săn loài côn trùng phiêu lưu ký  - 12

Dế được xem là đặc sản tại nhiều nhà hàng, quán nhậu không chỉ ở Hà Tĩnh mà nhiều địa phương khác. Dế sau khi làm ruột, rửa sạch được bán ra thị trường với giá 2.500 đồng/con. Dế được chế biến thành nhiều món ngon như chiên giòn, nướng, rang muối ớt...