1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bước ngoặt mang lại thành quả không ngờ của đôi vợ chồng thất nghiệp

Xuân Sinh

(Dân trí) - Làm công nhân nhà máy gạch nhưng một thời gian không có việc, vợ chồng anh Tình quyết định về quê. Khi chưa biết làm gì để lập nghiệp, vợ chồng anh tìm đến con dúi và thành quả khiến họ bất ngờ.

Mô hình nuôi dúi của anh Phan Hữu Tình (51 tuổi, ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được lãnh đạo địa phương đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Trước đây, gia đình anh Tình sinh sống ở xã Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Vợ chồng anh làm công nhân nhà máy gạch ngói Kỳ Giang. Năm 2019, nhà máy không có việc làm, vợ chồng anh quyết định về quê ở xã Xuân Viên sinh sống.

Bước ngoặt mang lại thành quả không ngờ của đôi vợ chồng thất nghiệp - 1

Mô hình nuôi dúi đã mang lại nguồn thu nhập bất ngờ cho gia đình anh Tình (Ảnh: Xuân Sinh).

Về quê, ruộng không có, cuộc sống của gia đình gặp không ít khó khăn. Sau thời gian trăn trở, vợ chồng anh quyết định tìm đến con dúi.

"Lúc làm công nhân ở nhà máy gạch tôi cũng đã biết về con vật này rồi. Nên khi quyết định nuôi dúi, tôi đã đi tham quan một số mô hình trên địa bàn để học hỏi thêm kiến thức", anh Tình chia sẻ.

Tận dụng diện tích đất vườn, anh Tình đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng 200m2 chuồng trại và mua 120 con dúi bố mẹ (80 con dúi cái, 40 con dúi đực). Dúi là động vật khá hung dữ và có cặp răng sắc nhọn. Chuồng dúi phải được xây dựng kiên cố, ốp gạch men, mỗi chuồng rộng khoảng 1m2. Là con vật ưa tối nên chuồng nuôi phải che bớt ánh sáng, đồng thời lắp hệ thống làm mát để chống nóng cho dúi.

Bước ngoặt mang lại thành quả không ngờ của đôi vợ chồng thất nghiệp - 2

Dúi là loài vật khá hung dữ nhưng lại dễ nuôi (Ảnh: Xuân Sinh).

Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng bước đầu công việc nuôi dúi của anh không tránh được những rủi ro, một số con bị chết do mắc bệnh ngoài da, bệnh đường ruột… Không nản lòng, với sự cần cù, ham học hỏi, anh Tình đã làm chủ được kỹ thuật nuôi, nhờ đó dúi ngày một phát triển, tăng đàn nhanh chóng.

"Nuôi dúi quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống, phải chọn những con dúi giống khỏe mạnh, cân nặng từ 300g trở lên, lông đầy đủ, mượt. Nuôi dúi mất rất ít công chăm sóc và ít tốn kém. Dúi không cần uống nước mà chỉ ăn thân các loại cây như tre, mía, bắp tươi và bắp khô, ngoài ra chúng còn ăn khoai lang, khoai mì…", anh Tình chia sẻ.

Bước ngoặt mang lại thành quả không ngờ của đôi vợ chồng thất nghiệp - 3

Thức ăn của dúi chủ yếu là tre, nứa, sắn, ngô... (Ảnh: Xuân Sinh).

Dúi là vật nuôi sinh sản khá dày, mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Tuy nhiên, trong thời gian sinh sản, nếu để nhiệt độ quá nóng, dúi sẽ bỏ nuôi con. Bởi vậy, anh Tình luôn duy trì nhiệt độ trong chuồng dưới 30 độ C để đàn dúi sinh sản và phát triển tốt.

Đến thời điểm này, trại dúi của anh Tình đã có 200 con cái đến độ tuổi sinh sản và hơn 100 con dúi lớn nhỏ khác. Dúi thương phẩm phải nuôi từ 10 tháng trở lên, đạt 1,2kg mới xuất chuồng, bán với giá 500 nghìn đồng/kg. Dúi giống loại nhỏ 20-30g có thể bán với giá 1,5-1,8 triệu đồng/cặp; còn loại đã sinh sản từ 2-3 triệu đồng/con.

"Hai năm nay, mô hình nuôi dúi cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng, đã trừ chi phí. Tôi cũng bất ngờ về hiệu quả kinh tế của loài vật này", anh Tình nói.

Bước ngoặt mang lại thành quả không ngờ của đôi vợ chồng thất nghiệp - 4

Đến thời điểm này, trại dúi của anh Tình đã có 200 con cái đến độ tuổi sinh sản và hơn 100 con dúi lớn nhỏ khác (Ảnh: Xuân Sinh).

Theo anh Tình, thị trường tiêu thụ dúi thương phẩm chủ yếu là các nhà hàng ở tỉnh Nghệ An và thành phố Hà Tĩnh.

"Hiện nay đầu ra của dúi khá thuận lợi. Sắp tới, tôi đang dự định sẽ nhân đàn dúi sinh sản lên 300 con, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường", anh Tình cho biết thêm.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên nhận xét, mô hình nuôi dúi của anh Phan Hữu Tình thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đầu ra ổn định.

"Đây là mô hình nuôi động vật rừng được cấp giấy phép đầu tiên trên địa bàn huyện thành công. Thời gian tới, chúng tôi cũng khuyến khích, nhân rộng mô hình này để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn", ông Thủy cho biết.