Điều kiện xét chuyển viên chức thành công chức

Ông Anh Khoa (TPHCM) làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở từ năm 2010 theo chế độ hợp đồng. Năm 2016, cơ quan tổ chức thi tuyển viên chức, ông đăng ký dự thi và trúng tuyển.

Ông Khoa hỏi, khi Sở có nhu cầu tuyển dụng công chức, trường hợp của ông vào năm 2018 có đủ điều kiện được xét tuyển vào công chức không qua thi tuyển không? Công việc ông Khoa đang làm phù hợp với lĩnh vực dự kiến tuyển dụng công chức, có đủ kinh nghiệm công tác, chỉ là thời gian viên chức chưa đủ 60 tháng.

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Khoa hỏi như sau:

Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 58 Luật Viên chức và Khoản 1, Khoản 2, Điều 42 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức được thực hiện như sau:

- Viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.

- Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng.

Trường hợp ông Anh Khoa,thi tuyển, trúng tuyển, được tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức từ năm 2016. Đến thời điểm năm 2018, ông Khoa chưa có từ đủ 60 tháng trở lên là viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy không đủ điều kiện được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.