1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công chức, viên chức sẽ hưởng lương theo chức danh, vị trí việc làm

Cải cách chính sách tiền lương (CCCSTL) và bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, đến nay cũng đã muộn nên không thể trì hoãn. Nhất là khi, chúng ta đã có điều kiện cần và đủ để thực hiện việc cải cách này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công đã nhấn mạnh như vậy tại buổi tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách tiền lương” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hôm nay 24/3 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng cho biết, trước đây chúng ta đã gộp nội dung cải cách CSTL, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công vào một đề án trình Trung ương. Tuy nhiên, từ năm 2003 trở lại đây, Trung ương đã 3 lần thảo luận cho ý kiến về đề án này nhưng chưa thể ra nghị quyết vì còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
3 chính sách này tuy có quan hệ với nhau nhưng là 3 vấn đề có tính độc lập. Vì thế, lần này tách ra làm 2 đề án độc lập (riêng chính sách ưu đãi người có công vừa được Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ nên Ban Cán sự Đảng, Chính phủ chưa xây dựng đề án).


Phó Thủ tướng phát biểu tại tọa đàm khoa học.

Phó Thủ tướng phát biểu tại tọa đàm khoa học.

Với đề án CCCSTL, Trưởng ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ cho rằng, phải khắc phục được những khuyết điểm hiện nay là tiền lương nhà nước chưa theo kịp với khu vực thị trường; điều chỉnh lương của người đang làm việc chưa độc lập với lương hưu và ưu đãi người có công làm ảnh hưởng tới tính bền vững của BHXH.
Vì thế, điểm mới trong tư duy CCCSTL trước tiên phải tiếp cận với các chuẩn mực chính sách lương của quốc tế. Đề án CCCSTL đã xây dựng tiền lương theo hướng năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với khu vực công và khu vực DN. Trong đó, đối với khu vực công, năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực thị trường (DN). Đối với khu vực DN, từ năm 2021 bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương.
Cơ cấu tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, được thiết kế theo 3 phần: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi 10% quỹ tiền thưởng trong lương trả thêm cho người lao động (NLĐ) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đề án cũng bãi bỏ cách tính lương theo hệ số nhân với mức lương cơ sở, thay bằng hệ thống lương mới theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm. Sẽ xây dựng hai bảng lương, một bảng lương áp dụng đối với các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, thể hiện thứ bậc. Người giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó; tiền lương của lãnh đạo phải cao hơn cấp dưới có cùng trình độ và thâm niên công tác. Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh viên chức: mỗi ngạch công chức có nhiều bậc lương như hiện nay theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau. Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.
Phó Thủ tướng cho biết, từ nay, Chính phủ sẽ giữ lại 70% phần tăng thu ngân sách của địa phương, 50% số vượt thu của ngân sách Trung ương để bổ sung tạo nguồn thực hiện từ năm 2021. Và, tập trung chống thất thoát cơ sở thuế để củng cố nguồn lực cho ngân sách.
Đối với Đề án cải cách chính sách BHXH, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ được thiết kế đa tầng, theo hướng phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hướng và chia sẻ rủi ro. Theo đó, tầng một ngân sách Nhà nước sẽ cung cấp một khoản đảm bảo thu nhập như nhau cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hàng tháng (đang được thực hiện).
Tầng hai, là tầng hưu trí dựa trên quan hệ đóng - hưởng gắn với thu nhập. Nhà nước có hỗ trợ đối với nông dân và lao động ở khu vực phi chính thức.
Tầng ba, bảo hiểm hưu trí bổ sung dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được miễn hoặc giảm thuế, bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của nhà nước và pháp luật.
Nhằm đảm bảo nguyên tắc duy trì và phát triển quỹ, Đề án quy định NLĐ tham gia trên 10 năm BHXH thì mới bắt đầu được hưởng hưu trí, thay vì quy định 20 năm như Luật BHXH hiện hành. Khi NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH thì chỉ được hưởng số tiền tài khoản cá nhân đã đóng.
Việc điều chỉnh lương hưu sẽ theo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế và khả năng của quỹ BHXH nhưng được thực hiện độc lập với điều chỉnh tiền lương.
Đề án cải cách BHXH cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, theo lộ trình từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Nhóm đối tượng lao động đặc thù điều chỉnh tăng giảm không quá 5 tuổi.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong những biện pháp then chốt, đột phá để tạo nguồn cải cách tiền lương là thực hiện thành công Nghị quyết 18 –NQ/TW và 19-NQ/TW. Hiện nay Bộ Tài chính đã đưa ra 6 phương án để tạo nguồn thì tin rằng đề án cải cách tiền lương và BHXH có tính khả thi.

Theo Kinh tế đô thị