1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Điêu đứng vì dịch, nhân viên trẻ cầu cứu bố mẹ: "Cho con vay ít tiền!"

(Dân trí) - Mới "thoát ly" trợ cấp từ gia đình chưa được 2 năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hồ Trọng Đạt đã sớm quay lại "vay nợ" bố mẹ để sống qua ngày.

"Mẹ ơi, cho con vay ít tiền!"

Sau hơn 2 tháng ngưng việc, hết khả năng cầm cự, Hồ Trọng Đạt, 26 tuổi, làm việc tại một khách sạn ở TPHCM gọi điện về cho mẹ, thủ thỉ: "Cho con vay ít tiền!"

Chàng thanh niên này thật khó để mở lời nhưng tiền trong ví chỉ còn vài trăm nghìn đồng, trong khi đã vay mượn một số người bạn, đang bị hỏi nợ.

Cậu mất khả năng chi trả tiền nhà trọ, các khoản chi tiêu, cho đến tiền ăn uống và cả tiền trả nợ... chỉ còn cách nhờ mẹ hỗ trợ. Cậu không dám hé nửa lời với bố vì ông vốn rất khắt khe hay phán xét, chê bai.

"Tôi phải đấu tranh rất nhiều. Sợ mẹ lo lắng, suy nghĩ nhưng không còn cách nào khác", chàng trai trẻ thở dài.

Ra trường, vừa làm thêm vừa học văn bằng hai, nhiều năm qua gia đình vẫn hỗ trợ một phần cho Hồ Trọng Đạt ăn học. Cách đây gần hai năm, khi được nhận vào làm việc tại một khách sạn với lương khởi điểm 8 triệu đồng, cậu chính thức tuyên bố "từ nay con tự lo".

Chưa được bao lâu thì đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, lĩnh vực mà chàng thanh niên này làm việc là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thu nhập giảm, cậu luôn trong tình trạng ráng qua ngày chứ không có tiền tiết kiệm.

Cho đến đầu tháng 5 vừa rồi, công ty cho nghỉ không lương hàng loạt. Lúc đó, Hồ Trọng Đạt nhận tháng lương cuối 6 triệu đồng. Đến giờ thì hết cách xoay xở.

Điêu đứng vì dịch, nhân viên trẻ cầu cứu bố mẹ: Cho con vay ít tiền! - 1

Nhiều đứa con ở thành phố được bố mẹ viện trợ từ thực phẩm đến tiền để cầm cự qua dịch.

Trần Ngọc Nga, 25 tuổi, làm việc tại một văn phòng luật ở TPHCM tâm sự, với mức lương gần 9 triệu đồng. Lâu nay, cô đã rất chật vật. Đóng học phí cho em gái đang học đại học, công việc cũng cần đầu tư hình thức, giao tiếp nên gần như không có nguồn dư.

Giờ chuyển qua làm việc online, với mức lương chỉ còn hơn 4 triệu đồng, Trần Ngọc Nga chới với với đủ các khoản chi của một người trẻ xa quê, sống trọ.

Thời gian qua, đã nhiều bữa phải xin cơm từ thiện. Mới đây hết cách, cô đành gọi điện về vay tiền bố mẹ để tiếp tục bám trụ ở Sài Gòn.

"Bố mẹ vừa gửi cho tôi một thùng đồ ăn, thực phẩm và 10 triệu đồng. Tôi cũng đang kiếm việc làm tại nhà để lo toan thêm", Ngọc Nga cho biết.

Điêu đứng vì dịch, nhân viên trẻ cầu cứu bố mẹ: Cho con vay ít tiền! - 2

Người dân ùa về cửa ngõ rời TPHCM trước giờ TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 16 vào ngày 9/7 (Ảnh: Nguyễn Quang).

Khó tránh làn sóng "hướng" quê

TPHCM là vùng đất tập hợp đông đảo người lao động sống trọ. Đa số người lao động, công sở có mức lương khoảng 10 triệu đồng, khởi điểm cho người mới ra trường thường thấp hơn.

Với mức thu nhập đó, cuộc sống bình thường của họ cũng đã khó khăn vì chi phí đắt đỏ, nhiều khoản phải gánh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người mất việc, thu nhập giảm... sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. 

"Ai cũng có những khoản chi tiêu nhất định phải lo, với mức lương như tôi, kể cả không hoang phí cũng rất khó để dành dụm. Nên lúc này, nhiều người lao động sẽ mất khả năng "tự lo", cần sự hỗ trợ", Trần Ngọc Nga tâm tư.

Trước cơn bão Covid-19, nhiều người phải tìm mọi cách, vay mượn để sống. Không ít người trong khó khăn chọn con đường "hướng" quê. Hướng theo cách về "tạm lánh" ở quê hoặc nhờ bố mẹ hỗ trợ ngược thực phẩm, tiền bạc.

Điều này có thể thấy rõ, ngay trước ngày TPHCM thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 ngày 9/7 vừa qua, dòng người ở thành phố khăn gói hành lý tủa ra khắp các ngả, ào ào tìm đường về quê.

Nhiều người "tháo chạy" không phải sợ dịch, chạy dịch. Mà với họ, không còn cách nào khác khi ở lại thành phố quá tốn kém, không thể nào trụ nổi khi mất thu nhập, mất việc làm.

Anh Nguyễn Văn Đức, 32 tuổi cho biết, không chỉ nhân viên trẻ mà... nhân viên lâu năm như mình cũng rất chật vật khi thu nhập giảm và chi phí tăng vọt giữa mùa dịch.

Vợ chồng anh phải nhờ bố mẹ gửi thực phẩm, vay tiền để chi trả các khoản nợ nần, chi tiêu với lời hẹn sau dịch con trả.

"Tôi còn may mắn là điều kiện bố mẹ ở quê không đến nỗi nào, luôn sẵn sàng hỗ trợ con cái. Không phải ai khi khốn khó cũng có thể tìm sự hỗ trợ từ gia đình, nhiều người tự gồng gánh hoặc phải "ém" đi tình cảnh của mình không cho người thân biết ", anh Nguyễn Văn Đức nói.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TPHCM, người tạm cư rất khó có thể bám trụ ở TPHCM trong thời gian tới nếu dịch bệnh không hạ nhiệt.

Đồng thời, các tỉnh nên có kế hoạch tổ chức để đón người dân về vừa chia sẻ áp lực với TPHCM lúc này, vừa tránh được tình trạng người lao động theo cách nào đó sẽ về tự phát khi họ không thể cầm cự nổi ở thành phố.