"Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn"

Quang Phong

(Dân trí) - Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covic-19, trong đó có 557.000 người mất việc làm.

Ngày 14/7, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, việc ban hành 2 chính sách này góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Nghị Quyết 68 và Quyết định 23 đảm bảo các nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; các chính sách hỗ trợ đảm bảo khả thi, hiệu quả, thiết thực để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận dựa trên các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ rõ ràng. Ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn lực và thực hiện phân cấp theo quy định để phát huy tính chủ động, tích cực và linh hoạt trong xử lý của các cấp, các ngành và các địa phương.

Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn - 1

Hội nghị có sự tham gia của đại diện BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ VN và Ngân hàng Chính sách xã hội (Ảnh: Chí Tâm).

Đề cập đến từng lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, làn sóng bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II/2021, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557.000 người bị mất việc làm; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

"Nhìn chung, đến hết quý II/2021, tình hình bệnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá.

Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn - 2

Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, diễn ra trong sáng nay (Ảnh: Chí Tâm).

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị cần chủ động và tích cục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị cần các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất, là một trong những mục tiêu trọng tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong những tháng cuối năm.

"Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và cho đối tượng yếu thế; đảm bảo từng bước nâng cao đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, để "Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, triển khai lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đến đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện xác nhận, công nhận người có công, thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 369 liệt sĩ, cấp đổi lại 4.039 bằng Tổ quốc ghi công; tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định ADN gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sĩ và 217 mẫu thân nhân liệt sĩ để bàn giao cho các đơn vị giám định thực hiện. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng.