1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Địa phương lấy lý do giãn cách trì hoãn hỗ trợ người dân, thì giờ làm đi!"

Thái Anh

(Dân trí) - Nhấn mạnh tinh thần, trong tháng 11 phải giải quyết đủ chính sách cho người thụ hưởng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu "hết giãn cách xã hội, cần bắt tay vào làm cho người dân được nhờ".

Nội dung tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 là vấn đề được đề cập tại Hội nghị trực tuyến của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH với 9 tỉnh thành trọng điểm ngày 3/11.

Từ 60-70% lao động di cư phải ở trọ, điều kiện thấp kém

Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Ngọc Dung nhận định, trong năm đại dịch bùng phát, Việt Nam đã ban hành gần 10 chính sách liên quan an sinh xã hội, từ việc chăm lo cho người yếu thế, người có công, người khó khăn do đại dịch. Tới đây, nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách chăm lo cho người nghỉ hưu, trước hết là điều chỉnh lương hưu với một số nhóm đối tượng.

Địa phương lấy lý do giãn cách trì hoãn hỗ trợ người dân, thì giờ làm đi! - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc làm việc với 9 tỉnh thành trọng điểm (Ảnh: Giáp Tống).

Ngoài chính sách chung, nhiều địa phương cũng có những chủ trương riêng, như TPHCM có 3 đợt hỗ trợ người dân, Bình Dương hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà…

Dù vậy, nhìn chung, đời sống người dân nói chung và người lao động nói riêng thật sự khó khăn. Có thể thấy qua tình trạng người dân di chuyển khỏi các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê vừa qua, khiến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước day dứt.

"Tối qua, tôi có điện thoại trao đổi với 3 Bí thư tỉnh ủy những địa phương có số lao động đi làm ăn xa quê nhiều nhất, như Thanh Hóa, thì thấy lượng công dân hồi hương vừa rồi tương đối lớn và chủ yếu là những người lao động tự do, bị ảnh hưởng, tổn thương nhiều nhất do dịch bệnh" - Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, chưa bao giờ, vấn đề chăm lo cho đối tượng người lao động tự do được đặt ra với mức độ cao như hiện nay.

Từ thực tế bộc lộ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cùng hỗ trợ người lao động, trong đó tập trung đầu tư, xây dựng nhà ở, nơi lưu trú cho công nhân, người lao động tại các đô thị, trung tâm công nghiệp lớn.

Qua đợt dịch thứ 4, có thể thấy những bức bối, áp lực lớn nhất với người lao động tha hương chính là nơi ở. Thực tế, có tới 60-70% công nhân phải thuê trọ với điều kiện thấp kém.

Theo Bộ trưởng, tới đây, chủ trương làm khu công nghiệp phải gắn với điều kiện lưu trú của công nhân, làm đô thị phải chú trọng vấn đề nhà ở cho thuê.

Địa phương lấy lý do giãn cách trì hoãn hỗ trợ người dân, thì giờ làm đi! - 2

Tại mỗi điểm cầu ở địa phương, ngoài lãnh đạo ngành lao động còn có đại diện những DN có số lượng lớn lao động, cơ quan quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn (ảnh: Giáp Tống).

Trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu toàn ngành tập trung hỗ trợ người lao động, thực thi những chính sách mà đã có mà người dân chưa được hưởng.

"Thời gian qua, nhiều địa phương lấy lý do giãn cách xã hội nên chưa triển khai được các chính sách thì nay đã hết giãn rồi, cần bắt tay vào làm đi, cho người dân được nhờ. Tinh thần là trong tháng 11 phải giải quyết căn cơ, đảm bảo cho tất cả những người trong diện đối tượng điều chỉnh của các chính sách được thụ hưởng" - Bộ trưởng quán triệt.

Tiến độ phục hồi thị trường lao động khả quan

Về vấn đề khôi phục, phát triển thị trường lao động tại các địa bàn trọng điểm, từ đầu cầu Bình Dương, Giám đốc nhân sự của một doanh nghiệp FDI về dệt may và đang sử dụng lao động lớn nhất trên địa bàn nêu nhận định: "Phải tới cuối quý I/2022 và sang quý II/2022, tình hình lao động mới trở lại được như trước dịch".

Đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ về chính sách để giữ chân, "hút" người lao động trở lại là quan tâm, hỗ trợ về tinh thần, tâm lý với công nhân liên tục, thường xuyên suốt những tháng vừa qua.

Nữ giám đốc nhân sự phân tích, mỗi người lao động có nhìn nhận về dịch Covid-19 khác nhau. Người tích cực thì dễ dàng chấp nhận, sẵn sàng tham gia sản xuất "3 tại chỗ". Nhưng phần lớn số công nhân khác lại rất sợ hãi, lo lắng nên quyết định về quê để bảo vệ tính mạng của bản thân và gia đình, chưa nói đến chuyện kiếm tiền. Để giúp số lao động diện này vượt qua tâm lý đó cần nhiều thời gian.

Cũng theo nữ giám đốc nhân sự trên, chỉ khoảng 600 nhân sự doanh nghiệp không liên lạc được sau khi dịch bùng phát, hoạt động sản xuất bị gián đoạn, Còn lại hơn 10.000 người, công ty vẫn gọi điện, kết nối hàng tuần để kịp thời nắm bắt tâm tư người lao động.  

Tương tự, một doanh nghiệp khác tại Bình Phước nêu kinh nghiệm lập các nhóm kết nối trên nhiều mạng xã hội phổ biến để kịp thời hỗ trợ công nhân. Với những nỗ lực của cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cho biết, tới nay, có tới 90% lao động trên địa bàn đã trở lại công việc.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, TP Cần Thơ cũng nêu nhận định, từ giờ tới cuối năm chưa phải lo vấn đề thiếu hụt lao động sau dịch.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, ở 9 tỉnh thành trọng điểm kinh tế tham gia cuộc làm việc hôm nay, khoảng 70-75% doanh nghiệp và người lao động đã trở lại làm việc sau 1 tháng kể từ khi các địa phương bước vào giai đoạn "bình thường mới", thích ứng với dịch bệnh. Tiến độ như vậy, theo Bộ trưởng là rất khả quan.

Thống nhất đánh giá, thực tế có tình trạng thiếu lao động ở một số địa bàn nhưng không trầm trọng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý các đơn vị chức năng đánh giá tình hình cho chính xác trên cơ sở thực tiễn, "không cảm tính, không bệnh thành tích".

"12 đoàn kiểm tra của Bộ làm việc tại 32 tỉnh thành cũng phải đưa ra được những con số, kế hoạch phục hồi chân thật, kiểm chứng những dự báo nhân lực để có đánh giá chuẩn xác về tình hình làm dữ liệu đầu vào đúng đắn cho việc hoạch định chính sách" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.