"Đi thăm các khu nhà trọ công nhân mới thấy rất xót xa"

Hoa Lê

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khi đề cập thực tế nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn mà nguồn cung lại thiếu.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về khảo sát thực tiễn thi hành Luật Nhà ở sáng 7/7, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, đơn vị này đã lập Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất".

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020.

Trong đó, Tổng Liên đoàn thực hiện việc triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động theo các cơ chế quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội.

Đi thăm các khu nhà trọ công nhân mới thấy rất xót xa - 1

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện nay, Tổng Liên đoàn đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó là hoàn thiện đầu tư xây dựng tại thiết chế công đoàn Tiền Giang.

Ngoài ra, đơn vị này đang tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các công trình văn hóa, thể thao thuộc khu quy hoạch thiết chế công đoàn tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Định, Vĩnh Phúc.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở 2014, việc đầu tư nhà ở bằng nguồn vốn tài chính công đoàn chưa được luật điều chỉnh.

Tổng Liên đoàn, về bản chất, là tổ chức chính trị - xã hội, không phải là tổ chức kinh tế. Trong bối cảnh tinh giản tổ chức, bộ máy, Tổng Liên đoàn cũng không thể thành lập các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ này.

Xuất phát từ những vướng mắc về pháp luật nêu trên, ông Hiểu thông tin, việc triển khai Đề án hiện nay chưa đạt được mục tiêu mong muốn là Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động.

Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã quy định tại khoản 3 Điều 77: "Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua".

Đi thăm các khu nhà trọ công nhân mới thấy rất xót xa - 2

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đồng thời, cơ quan công đoàn cũng là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, theo hướng: "Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân".

Về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung quy định về chính sách nhà ở cho công nhân, đặc biệt là bổ sung chính sách cụ thể về nhà lưu trú cho công nhân thuê tại khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, bổ sung các hình thức phát triển nhà ở xã hội, theo hướng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua. Đồng thời, xây dựng chế định có liên quan đến chủ thể đầu tư nhà ở xã hội là Tổng Liên đoàn.

Theo ông Hiểu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất theo hướng đối với nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng Liên đoàn hoặc ngân sách nhà nước cấp cho Tổng Liên đoàn, chủ đầu tư dự án nhà ở do Tổng Liên đoàn quyết định.

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và nhiều ý kiến đại biểu đã đề nghị làm rõ cơ sở chính trị của việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện, đồng thời, làm rõ nội hàm của việc tham gia đầu tư xây dựng như thế nào...

Trao đổi về lý do đề xuất nhà ở cho công nhân, Chủ tịch Tổng Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, tiền lương của công nhân còn khó đảm bảo sinh hoạt cho gia đình. Việc tích lũy để công nhân có căn nhà rất khó khăn.

Theo ông Khang, từ khi có Luật Nhà ở, chính sách chủ yếu cho doanh nghiệp, chưa huy động hết các chủ thể khác trong xã hội tham gia. Doanh nghiệp thấy có lãi mới tham gia phát triển nhà ở. Thực tế nhà ở xã hội thì thiếu, nhu cầu cho công nhân lại rất lớn. Qua đi thực tế thăm các khu nhà trọ cho công nhân, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thấy rất xót xa.

Ông Nguyễn Đình Khang mong muốn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng từ phía tổ chức Công đoàn và tâm tư, nguyện vọng của người lao động để thể hiện đầy đủ nhất trong dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi, giải phóng nguồn lực xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu bức xúc của người lao động hiện nay là vấn đề nhà ở.