Nhà ở xã hội, giấc mơ người nghèo khó chạm tới

PV

(Dân trí) - Chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) được kỳ vọng giúp cho những người thu nhập thấp giảm bớt áp lực cuộc sống, nhưng thực tế, với nhiều người, việc mua NƠXH vất vả trăm bề, thậm chí là không thể mua được.

Nhiều năm trở lại đây, tại Hà Nội việc cung không đủ cầu đã khiến nhiều người thu nhập thấp khổ sở trong việc tìm căn nhà cho riêng mình. Bên cạnh những thủ tục pháp lý có phần phức tạp, thì việc xếp số để được nộp hồ sơ mua NƠXH thôi cũng là điều mang tính may rủi.

Thế nhưng, nếu dạo quanh các sàn bất động sản mua bán nhà ở xã hội, thì những người đang sở hữu NƠXH lại không hề phải trải qua những cảnh vất vả, đêm hôm chầu chực nộp hồ sơ khổ sở như vậy. Thậm chí họ còn "nghiễm nhiên" có suất ngoại giao. Nhiều bạn đọc phản ánh với Báo Dân trí rằng NƠXH nhưng lại toàn cho người giàu.

Nhà ở xã hội, giấc mơ người nghèo khó chạm tới - 1

Người dân vạ vật ngày đêm nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả Thế Anh nêu quan điểm: "Nhà ở xã hội đúng nghĩa là dành cho người thu nhập thấp nhưng thực tế ở ta, nó chỉ dành cho người có tiền. Giá nhà bị đẩy lên khá cao, người thu nhập thấp đâu đủ khả năng mua? Cơ hội mua được đúng giá khó hơn trúng xổ số, chưa kể đến tính minh bạch".

Độc giả có nickname TenMienNgon.com nói vui: "Ngạc nhiên ở chỗ, mỗi khi nhà ở xã hội mở bán là ô tô ở đâu ùn ùn đến xếp hàng mua nhà".

Độc giả Toàn Phạm cho rằng, "Chính sách nhà nước thì tốt đẹp nhưng đi vào cuộc sống thì thật khó, vì thiếu giám sát. Việc thực thi nếu có phát hiện vi phạm thì xử lý cũng rất hời hợt, thật khổ cho người dân".

Độc giả Quang Bui đưa ra phương án: "Nếu thực hiện như sau: nhà ở xã hội không cho tăng giá bán, trước mua sao thì sau này bán cũng như vậy và chỉ được bán lại cho nhà nước thì tôi tin mấy người đầu cơ sẽ chẳng quan tâm nữa, lúc đó thì người nghèo mới thực sự có nhà ở".

Đối tượng nào được mua nhà ở xã hội?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó ưu tiên những đối tượng sau:

Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Ngoài những đối tượng nêu trên thì các đối tượng sau cũng được ưu tiên mua nhà ở xã hội đó là:

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và QĐND; Cán bộ, công chức, viên chức; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…

Bên cạnh quy định các đối tượng cụ thể được mua nhà NƠXH, căn cứ theo Điều 62 Luật Nhà ở 2014 thì việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội phải đúng quy định của luật này; trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở này chỉ được thuê hoặc thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội. Đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng.

- Thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm;

- Thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.

Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.

Trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Quy định thì rất cụ thể, thế nhưng, trên thực tế, những người hiện đang sở hữu NƠXH lại thường không thuộc các đối tượng trên. Thậm chí, NƠXH được mua đi bán lại nhiều lần và giao dịch bằng hợp đồng ủy quyền.