Kiên Giang:

"Dị nhân" 20 năm lặn biển, tích tiền triệu mỗi ngày để đổi đời cho con

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Chẳng phải dân biển "thứ thiệt" nhưng anh Tuấn lại là ngư dân duy nhất ở Hòn Nghệ còn theo nghề lặn biển bắt hải sản. 20 năm qua, anh Tuấn miệt mài trầm mình dưới nước bắt ốc, chụp cá đổi cơm áo.

Khi mới 16 tuổi, anh Trần Văn Tuấn đã rời quê nhà ở Cần Thơ, xuống Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) tìm kế sinh nhai. Chữ nghĩa không rành, chưa thông thạo nghề đi biển, anh chọn làm việc tại bến tàu rồi phụ các ghe đi đánh bắt hoặc theo ngư dân đi lặn biển.

Dị nhân 20 năm lặn biển, tích tiền triệu mỗi ngày để đổi đời cho con - 1

20 năm qua anh Tuấn miệt mài lặn biển bắt hải sản (Ảnh: Bảo Kỳ).

Kiên trì theo nghề, anh Tuấn học được cách sinh sống trên biển, dùng đôi tay kiếm cơm. Đến nay, người đàn ông gốc Tây Đô đã có ngót nghét 20 năm lặn biển săn bắt hải sản. 

"Lúc nhỏ theo chúng bạn lặn biển, nó biểu sao mình học theo vậy. Ban đầu tôi hay sặc nước lắm, nước xộc vào khoang mũi, lỗ tai thậm chí phải uống nước biển đến nổi bụng. Lên bờ ngồi im mà nước biển chảy ròng ròng ra. Chưa kể đến việc bị gai cá, gai nhum đâm, đạp vỏ con này con kia sứt tay, đứt chân. Nhưng vì miếng cơm manh áo, không làm nghề này thì lấy gì mà sống. Cứ bấm bụng theo nghề riết rồi không thấy cực khổ gì nữa", anh Tuấn kể. 

Dị nhân 20 năm lặn biển, tích tiền triệu mỗi ngày để đổi đời cho con - 2

Trước khi xuống nước, anh Tuấn phải mang bao tay, đeo kính lặn và một chiếc túi lưới để đựng ốc, sò (Ảnh: Bảo Kỳ).

Dị nhân 20 năm lặn biển, tích tiền triệu mỗi ngày để đổi đời cho con - 3

Chiếc phao tự chế để anh Tuấn bơi mỗi khi đi lặn biển, bán kính bơi từ bờ ra khoảng 6m (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhọc nhằn đấy, nhưng theo người "thợ lặn" U40, những người không đất, không bè nuôi cá như anh cũng không sợ đói là nhờ nghề lặn biển. Bởi thuận mùa, nước tốt, mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 20-30kg ốc, sò các loại. Còn khi con nước nghịch, anh bắt được chừng hơn 15kg. Tính ra thu nhập trung bình cũng được trên một triệu đồng mỗi ngày.

Để có được thu nhập như thế, anh Tuấn nhấn mạnh, không phải là chuyện dễ.

"Trước khi lặn phải xem nước trong hay nước đục, biển có nhiều sóng hay không vì nếu nước đục khó thấy ốc, nhiều khả năng sẽ thất thu. Ốc, sò nằm vùi trong cát có thể bắt tay không nhưng cá thì lẩn trốn trong hang nên mình cần có lưới bao lại rồi chụp mới dính. Đặc biệt, trước khi lặn phải ăn no, chắc bụng, khi xuống nước mới không run tay, run chân", anh Tuấn tiết lộ bí quyết lặn liên tục không mệt.

Dị nhân 20 năm lặn biển, tích tiền triệu mỗi ngày để đổi đời cho con - 4

Sau 2 giờ lặn biển, anh Tuấn có được túi ốc, sò khoảng 4kg (Ảnh: Bảo Kỳ).

Để dễ hình dung, anh Tuấn đeo bao tay, mang kính và đem theo cây rờ (một thanh nhựa dài hơn 20cm) để dò xem chỗ nào có hải sản. Chuẩn bị xong xuôi, anh hít sâu một hơi rồi nhảy xuống nước. Mất khoảng 20 giây, anh ngoi lên mặt nước, trên tay cầm mấy con ốc bơi lại phía phao. 

"Nước biển trong nên lặn xuống nước có thể dễ dàng nhìn thấy ốc, sò, cần nhanh tay bắt lấy, khỏi phải đeo ống hơi rườm rà. Ngày nào không đi đánh cá thì tôi lặn biển từ sáng sớm đến chiều tối mới về nhà, buổi trưa có chút thời gian ăn cơm, nghỉ mệt rồi lặn tiếp", anh Tuấn kể, để đảm bảo sinh kế lâu dài, thợ lặn cũng tuân thủ nguyên tắc không khai thác tận diệt, chỉ nhặt ốc, sò đủ độ lớn. 

Dị nhân 20 năm lặn biển, tích tiền triệu mỗi ngày để đổi đời cho con - 5

Hải sản ở Hòn Nghệ rất đa dạng như ốc lá, ốc búa, ốc ngọc, ốc trinh nữ, sò tộ... (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sau vài năm sinh sống trên hòn, anh Tuấn đã lập gia đình và có 3 người con. Vợ anh Tuấn là dân gốc ở Hòn Nghệ, vừa giúp chồng chăm lo con cái, vừa quán xuyến một tiệm ăn nhỏ chuyên bán hải sản cho khách du lịch và dân ngụ cư. 

"Hải sản tôi bắt được đa số để cho vợ bán ở quán, hôm nào nhiều thì cân cho thương lái. Do hòn còn hoang sơ nên giá các mặt hàng tương đối rẻ. Ốc, sò giá từ 100.000 đồng/kg, nhum có 10.000 đồng/con, cá mú, cá bớp thì từ 200.000 đồng/kg. Hàng thường bán bữa nào hết bữa đó nên mỗi ngày tôi đều duy trì việc lặn biển, chụp cá để có nguyên liệu làm món ăn phục vụ thực khách", anh Tuấn nói. 

Dị nhân 20 năm lặn biển, tích tiền triệu mỗi ngày để đổi đời cho con - 6

Đôi tay anh Tuấn đầy vết chai sần, bị lở do nước ăn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Hàng chục năm "ăn cơm trên bờ, làm việc dưới nước", anh Tuấn không còn cường tráng như xưa. Nhiều thợ lặn cùng lứa với anh đã bỏ nghề, tìm kế sinh nhai khác, anh thì vẫn kiên trì với nghề, vì gánh nặng áo cơm. 

"Xưa nay tôi chỉ biết làm nghề này, giờ bỏ thì lấy gì nuôi con. Ráng làm thêm ít năm nữa tích đủ vốn liếng, vợ chồng tôi chắc cũng tìm nghề đỡ cực hơn để lo cho con cái. Đời cha mẹ quá nhọc nhằn nên chỉ mong các con đều được đi học chữ, học nghề ", ánh mắt của anh Tuấn ánh lên niềm hy vọng.