An toàn lao động và phòng chống cháy nổ:

Đề xuất quy định bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Điểm c khoản 3 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định”; “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện”.

“Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện” có thể tổ chức dưới 2 hình thức là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thương mại. Hiện nay, Bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động đã được các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe, theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi năm 2010).

Về chính sách này, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, do đây là bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận, nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện chế độ bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ (như thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập, hỗ trợ trong cuộc sống; người nghèo thường không tham gia...).

Việt Nam hiện chưa có bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động. Vì vậy, để triển khai Luật an toàn, vệ sinh lao động, nhằm đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội theo Điều 34, 59 của Hiến pháp năm 2013, việc ban hành Nghị định quy định bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là cần thiết.

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Dự thảo đề xuất quy định 7 chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng. So với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì các chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động được kết cấu tương tự 4 chế độ, bổ sung mới 1 chế độ và sửa đổi 2 chế độ.

Cụ thể là: 1. Giám định mức suy giảm khả năng lao động; 2. Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; 3. Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; 4. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; 5. Dưỡng sức và phục hồi sức khỏe; 6. Hỗ trợ chi phí y tế; 7. Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động.

Năm 2016: Cả nước có 42 % vụ chết người do lỗi của người sử dụng lao động

Theo thống kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động làm 8.251 người bị nạn. Số vụ tai nạn lao động chết người là 799 vụ, làm chết 862 người. Trong đó, số tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động là 7.588 vụ, làm 7.806 người bị nạn trong đó có 711 người chết. Trong khu vực không có quan hệ lao động, theo báo cáo của 44/63 tỉnh và thành phố, số vụ tai nạn lao động là 393 vụ, làm 445 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn (151 người chết).

C.P