1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đề xuất cho người cao tuổi vay vốn khởi nghiệp

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, 10 năm tới Việt Nam sẽ có hàng chục triệu người cao tuổi khởi nghiệp. Do vậy, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời như: hỗ trợ vay vốn, đào tạo việc làm, đảm bảo đẩu ra sản phẩm.

Cần bỏ định kiến khởi nghiệp không dành cho người cao tuổi

Ông Phan Văn Hùng - Phó Chủ tịch TW Hội người cao tuổi Việt Nam - nêu vấn đề trên tại hội thảo: "Cần đấu tranh chống chủ nghĩa tuổi tác để người cao tuổi thuận lợi khởi nghiệp" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và TW Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức sáng 26/9 tại Hà Nội.

Theo ông Hùng, nhiều người lao động sau khi về hưu nhưng không chọn lối sống nghỉ ngơi mà tiếp tục khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình. Do vậy, cần xóa bỏ định kiến khởi nghiệp chỉ dành cho thanh niên hay người trung tuổi. 

Phó Chủ tịch TW Hội người cao tuổi Việt Nam nêu rõ, trong Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao "Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn, vận động, xây dựng mô hình hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp".

Song, do chưa có các chính sách hướng dẫn cụ thể, quá trình khởi nghiệp của người cao tuổi đã gặp không ít khó khăn về đất đai, trụ sở, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh…

Ngoài ra, khi người cao tuổi khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm quản trị, tiêu thụ sản phẩm, quản lý rủi ro... nên doanh nghiệp không phát triển và để lại hậu quả nặng nề. 

Đề xuất cho người cao tuổi vay vốn khởi nghiệp - 1

Người cao tuổi tại Trung Quốc (Ảnh: Hội người cao tuổi Việt Nam).

Tương tự, vấn đề dạy nghề cho người cao tuổi cũng gặp những rào cản do định kiến xã hội. Đa số quan niệm người cao tuổi cần nghỉ ngơi, không phải là đối tượng áp dụng chế độ đào tạo nghề.

Hiện hầu như không có trường chuyên nghiệp nào thực hiện các hoạt động đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề cho người cao tuổi. Rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiến hành đào tạo, dạy nghề cho đối tượng là người cao tuổi.

Người cao tuổi muốn học nghề, chuyển đổi nghề phải tự học, hoặc nhờ người thân, quen.

Từ thực trạng nêu trên, ông Phan Văn Hùng đề xuất cần xây dựng thêm nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp; cần  tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn tín dụng và huy động vốn xã hội.

Về vấn đề trên, đại diện Hội người cao tuổi Hà Nội cũng cho rằng cần hỗ trợ người cao tuổi vay vốn để phát triển sản xuất. Các cơ quan chức năng cũng cần sớm triển khai các dự án giáo dục để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm giàu cho người cao tuổi. 

Ông Vũ Bá Rồng, đại diện Hội người cao tuổi Bắc Ninh cũng đề xuất cần thí điểm mô hình đào tạo nghề riêng biệt, phù hợp với năng lực, tâm lý của người cao tuổi.  

Ông Andre Gama - Đại diện văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam -  cũng đề xuất cần thúc đẩy việc làm cho lao động cao tuổi và kéo dài thời gian làm việc thông qua việc sắp xếp công việc linh hoạt; bố trí các nhóm làm việc đa độ tuổi, khuyến khích tài chính để thúc đẩy tuyển dụng hoặc giữ lao động cao tuổi; cải cách hệ thống lương hưu giúp hệ thống an sinh xã hội bền vững và thiết lập chế độ tiền lương linh hoạt…

Đặc biệt ông Andre Gama nhấn mạnh việc cần đấu tranh chống chủ nghĩa tuổi tác và phân biệt đối xử với lao động nữ lớn tuổi để người lao động cao tuổi được bình đẳng và phát huy khả năng của mình.

Việt Nam thuộc nhóm già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, sớm hơn dự báo 6 năm. Dự kiến, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2036 với 21,253 triệu người cao tuổi, chiếm 19,48% tổng dân số. Nếu tính toán theo Cơ sở dữ liệu dân cư, Bộ Công an, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam có thể sẽ kết thúc nhanh hơn, vào đầu những năm 2030. 

Như vậy, với thời gian 25 năm để chuyển từ già hóa dân số sang dân số già, Việt Nam được xếp vào nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Đề xuất cho người cao tuổi vay vốn khởi nghiệp - 2

Biểu đồ: Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam.

Theo ông Phan Văn Hùng, cả nước hiện có 221.000 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, độ tuổi 60-69, có 50,4% người cao tuổi vẫn đang lao động, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình. Ở độ tuổi 70-79, con số này là 19,4%. 

Thống kê trên không bao gồm người cao tuổi vẫn đang làm các công việc như chăm sóc cháu nhỏ, vườn tược, các công tác xã hội tình nguyện tại địa phương.

Tuy nhiên, người cao tuổi chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức (81,4%) và trong ngành nông lâm thủy sản (90%). Chất lượng việc làm của người cao tuổi còn thấp, 58,8% lao động cao tuổi là lao động giản đơn. Thu nhập của người cao tuổi làm công hưởng lương chỉ bằng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường. 

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê năm 2020, 57% người cao tuổi tại Việt Nam không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội. Hiện tại mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn, bằng 18% chuẩn nghèo thành thị. 

Chỉ gần 15% người cao tuổi có tiền gửi tiết kiệm. 24% người cao tuổi cho biết thu nhập của họ chưa đủ cho chi tiêu hàng ngày. Đa số người cao tuổi chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội, hoặc thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. 

Ông Phan Văn Hùng nêu một vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam trong thời gian gần đây là nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2022, cả nước có 4.850.000 người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Như vậy, mỗi năm bình quân nước ta có tới hơn 800.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. 

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 665.000 người rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đây là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Tỷ lệ người cao tuổi nước ta có lương hưu, trợ cấp xã hội đã thấp, sẽ càng thấp hơn trong thời gian tới. Số người không có lương hưu sẽ buộc phải tiếp tục làm việc, mặc dù đã là người cao tuổi. 

Thực tế này đặt ra vấn đề rất lớn và cấp bách về tư vấn khởi nghiệp, dạy nghề và việc làm cho người cao tuổi nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làm việc sau độ tuổi lao động.