Đề nghị tăng lương, hỗ trợ nhà cho người làm văn hóa ở vùng khó khăn
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở và các phụ cấp đặc thù cho nhân lực văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn.
Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sáng 1/11, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, nguồn nhân lực chuyên sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Phần lớn đội ngũ làm công tác văn hóa ở địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được đào tạo chuyên nghiệp.
Theo thống kê từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chưa đến 20% nhân lực văn hóa tại các khu vực dân tộc thiểu số có trình độ đại học hoặc cao hơn, khiến cho khả năng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Theo đại biểu, các cơ sở giáo dục đào tạo về văn hóa ít liên kết với cộng đồng dân tộc thiểu số dẫn đến chương trình đào tạo còn xa rời thực tế, thiếu tính ứng dụng.
Sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành chưa được quan tâm đúng mức gây ra lỗ hổng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có khả năng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
Nhiều khu vực dân tộc thiểu số không có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cho công tác văn hóa. Kinh phí dành cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa tại vùng dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách, chỉ từ 2-5%, gây hạn chế trong việc thu hút nhân tài và tổ chức các chương trình đào tạo mang tính chất dài hạn.
Trong một số trường hợp, những người được đào tạo về văn hóa dân tộc thiểu số lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp do không có nhiều tổ chức, cơ quan văn hóa hoạt động thường xuyên tại địa phương.
Điều này khiến họ không phát huy được kiến thức chuyên môn, giảm động lực đóng góp cho văn hóa cộng đồng. Từ đó, đại biểu đề xuất Quốc hội một số giải pháp để hoàn thiện về phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, ông Bình cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực văn hóa phù hợp với đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số. Các chương trình đào tạo cần tích hợp sâu hơn các yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số và được thiết kế để đáp ứng từng nét đặc trưng của mỗi vùng miền.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có các chính sách đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở và các phụ cấp đặc thù cho nhân lực văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này không chỉ thu hút được nhân lực có trình độ cao, còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, cần thiết lập các cơ sở đào tạo văn hóa dân tộc tại địa phương, xây dựng các trường chuyên về văn hóa dân tộc hoặc các trung tâm đào tạo văn hóa tại vùng dân tộc thiểu số để giúp phát triển nhân lực chuyên nghiệp ngay từ nguồn gốc ở địa phương.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đồng ý bổ sung phát triển nguồn nhân lực văn hóa với nội dung tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia cống hiến trong lĩnh vực văn hóa.
Tuy nhiên, với nội dung tổ chức các hội thi để phát triển tài năng của những người trẻ, đại biểu đề xuất là tạo không gian để các chuyên gia, trí thức có năng lực về lĩnh vực văn hóa được phát huy.
Theo ông Cảnh, nhiều người nguyên là Bộ trưởng, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Tổng Biên tập báo, là các nhà giáo dục, các nhà sáng tác với kinh nghiệm thực tiễn đã và sẽ phản ánh về thực trạng văn hóa, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách về văn hóa.
Họ sẽ là những diễn giả tại các hội nghị, hội thảo về văn hóa, không chỉ là khách mời dự thính. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia, cống hiến trong lĩnh vực văn hóa vào phát triển nguồn nhân lực văn hóa.