Sau tăng lương, thu nhập bình quân người lao động tăng hơn 500.000 đồng
(Dân trí) - Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Chính phủ.
Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 đã được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Chính phủ nhận định sự phục hồi rõ nét của tình hình kinh tế - xã hội khi "tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước", đạt được mục tiêu tổng quát đề ra với nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Lương hưu, trợ cấp xã hội tăng cao nhất từ trước đến nay
"Ước cả năm 2024 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu (một chỉ tiêu xấp xỉ đạt), trong đó đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân", báo cáo Chính phủ nêu rõ. Đặc biệt, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt năm nay đã đạt, theo đánh giá của Chính phủ.
Chính phủ đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP so với các quý năm ngoài đều cao hơn. Chính phủ tính toán cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, phấn đấu đạt và vượt 7% - cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%).
Báo cáo của Chính phủ cho thấy cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước theo dự toán, trả nợ gốc các khoản vay đến hạn, xử lý kịp thời nhiệm vụ đột xuất phát sinh và dành khoảng 700.000 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7.
Chính phủ đã dành gần 700.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với việc điều chỉnh mức lương cơ sở khu vực công từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng).
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 74 về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp 6% trong năm 2024; đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7 với mức cao nhất từ trước đến nay.
"Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước", theo báo cáo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024. Chính phủ thống kê trong 9 tháng đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hơn 116.000 tỷ đồng, dự kiến cả năm khoảng 187.000 tỷ đồng.
Phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%
Một điểm nhấn khác được Chính phủ đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội là việc phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực.
Trong đó, nhiều công trình giao thông quan trọng, dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa được đưa vào khai thác.
"Về phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đã đưa vào khai thác 109km các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - QL46B, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021km", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Bên cạnh đó là việc tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ nhưng vẫn bảo đảm theo đúng kế hoạch.
Về hàng không, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng sân bay Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Cùng với các tuyến đường sắt, đường sắt đô thị được triển khai và đưa vào khai thác, Chính phủ tích cực nghiên cứu hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).
Nhiều thách thức cũng được Chính phủ nhận diện trong báo cáo gửi Quốc hội.
Điển hình, một số vụ cháy lớn gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại khu vực đông dân cư. Vấn đề an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, ngập úng, ùn tắc, ô nhiễm tại các đô thị lớn... vẫn là thách thức lớn.
Tình hình tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, lừa đảo qua mạng còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tình trạng thiếu máy bay, giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân...
Trong khi đó, thiên tai, bão lũ diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề. Dự báo, ảnh hưởng của bão số 3 có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Trong những tháng cuối năm, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch đề ra.
Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh; bảo đảm cung ứng đủ vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ để tham gia sâu vào quá trình xây dựng, vận hành các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và đường sắt cao tốc Bắc - Nam.