Đề nghị công khai quyết định xử phạt doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, nếu công khai các quyết định xử phạt, doanh nghiệp vi phạm sẽ e ngại bị ảnh hưởng uy tín khi tham gia đấu thầu nên sẽ ý thức hơn trong việc tuân thủ an toàn lao động.

Chưa rõ thẩm quyền cấp phép trường cao đẳng

Đề nghị công khai quyết định xử phạt doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động - 1

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ngày 4/10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động tháng 9, 9 tháng đầu năm 2024.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trình bày vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định liên quan đến lĩnh vực GDNN theo Nghị định số 84/2024/NĐ-CP (quy định thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM).

Trong lĩnh vực GDNN, UBND TPHCM được phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN đối với trường cao đẳng thuộc phạm vi quản lý của thành phố, bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố có 4 nhóm trường cao đẳng là: Nhóm trường công lập do UBND TPHCM là cơ quan chủ quản (13 trường); nhóm trường công lập do Cơ quan Trung ương là cơ quan chủ quản, có trụ sở chính trú đóng trên địa bàn thành phố (16 trường và 2 phân hiệu); nhóm trường tư thục có trụ sở chính trú đóng trên địa bàn thành phố (21 trường) và nhóm trường có trụ sở chính trú đóng ngoài thành phố nhưng có nhu cầu đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố (18 trường).

Hiện chưa rõ là thành phố có thẩm quyền cấp phép cho cả 4 nhóm trên hay không?

Theo ông Nguyễn Chí Thành, phòng GDNN đã tham mưu Ban giám đốc Sở LĐ-TB&XH trình UBND TPHCM nội dung xin ý kiến hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH để đảm bảo tính chặt chẽ trong việc xác định thẩm quyền.

UBND Thành phố cũng đã có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến xác định nhóm trường cao đẳng sẽ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố cấp giấy chứng nhận.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, chỉ đạo Phòng GDNN hướng dẫn các trường trên địa bàn thành phố chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan theo quy định và thực hiện nộp hồ sơ sau khi Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến chính thức.

Đề nghị công khai quyết định xử phạt doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, báo cáo về tình hình tai nạn lao động 9 tháng đầu năm.

Theo đó, từ 1/1 đến 30/9, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 52 vụ tai nạn lao động chết người khiến 54 người tử vong; tăng 16 vụ tai nạn chết người so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lâm cho biết, tai nạn chết người chủ yếu xảy ra tại các công trình xây dựng (33 vụ). Do đặc điểm của ngành xây dựng là công việc mà người lao động và thiết bị luôn di động, chịu ảnh hưởng của thời tiết (nhất là mùa mưa) và công nhân phần lớn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, ý thức về công tác an toàn lao động chưa cao.

Theo ông Nguyễn Thành Lâm, mùa mưa bão thì số tai nạn càng cao, chủ yếu là ngã từ trên cao xuống, bị điện giật…

"Trên địa bàn thành phố có nhiều công trình xây dựng nhà dân, chủ đầu tư và nhà thầu thi công thường là các cá nhân, tổ đội cai thầu làm việc theo kinh nghiệm và thói quen, không hiểu biết về an toàn. Ngoài ra, các công trình này thường có vốn đầu tư nhỏ, không có nhiều nguồn lực để thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động", ông Lâm cho biết thêm.

Ngoài ra, tai nạn lao động chết người vẫn xảy ra tại các đơn vị sản xuất, dịch vụ vận tải (19 vụ) dù Thanh tra Lao động đã rất nhiều lần tuyên truyền, phổ biến quy định an toàn đến các đơn vị, doanh nghiệp.

Đề nghị công khai quyết định xử phạt doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động - 2

Ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Lâm, bất cứ công trình nào xảy ra tai nạn lao động đều phát hiện có sai phạm quy định an toàn. Nếu doanh nghiệp và người lao động tuân thủ các quy định an toàn thì sẽ không xảy ra tai nạn nghiêm trọng đến vậy.

Do đó, ông Nguyễn Thành Lâm kiến nghị TPHCM cho phép công khai quyết định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khi xảy ra các vụ việc gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Theo ông Lâm, nếu công khai các quyết định xử phạt này, doanh nghiệp vi phạm sẽ e ngại bị ảnh hưởng uy tín, chỉ số tín nhiệm khi tham gia đấu thầu các công trình khác. Khi đó, sức răn đe của các quyết định xử phạt sẽ lớn hơn, các doanh nghiệp sẽ ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn lao động và giúp kéo giảm tình hình tai nạn lao động.

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, yêu cầu Thanh tra Sở rà soát lại các quy định pháp luật, tham mưu Sở xin ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH, nếu phù hợp sẽ thi hành.