1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đẩy nhanh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh

(Dân trí) - Người đứng đầu đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh Thái Bình tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt khó khăn ổn định phát triến sản xuất trong tình hình mới.

Ngày 5/11, đoàn công tác Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) do ông Vũ Xuân Hân, Chánh Văn phòng Bộ làm Trưởng đoàn kiểm tra đã tiến hành nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đoàn công tác tới một doanh nghiệp dệt may sử dụng số lao động lớn. Đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều đơn hàng của xí nghiệp bị tạm hoãn, lo đủ việc làm, đảm bảo lương ổn định cho hơn 1.200 công nhân, người lao động rất khó khăn, công nhân phải làm việc cầm chừng và nghỉ việc.

Đẩy nhanh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh - 1
Đoàn công tác tìm hiểu đời sống người lao động tại một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn.

Trước biến cố tưởng không thể tồn tại, lãnh đạo công ty quyết định chuyển đổi sang may khẩu trang, trang phục bảo hộ lao động để cứu vãn tình hình.

Sau đó, doanh nghiệp đã liên kết, mạnh dạn đầu tư máy móc dây chuyền hiện đại để may veston cao cấp, đến nay đã duy trì sản xuất, giữ chân và tạo việc làm ổn định cho 842 lao động, với mức thu nhập bình quân 6-7,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, xí nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết với đối tác nước ngoài đến Quý I năm 2022.

Do kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hiện có hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang có nhu cầu tuyển dụng trên 15.500 lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và may mặc từ nay đến cuối năm.

Lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ, trong lúc khó khăn do dịch bệnh, Nghị quyết 68, Quyết định 23 với các chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người lao động ngừng việc, vay vốn trả lương phục hồi sản xuất… Đặc biệt với chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động được triển khai đã giúp xí nghiệp vượt khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thái Bình cho biết tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết về hỗ trợ người lao động. Đến đầu tháng 11/2021, tỉnh đã có trên 172.937 người lao động, hơn 2.780 doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ, với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Một số chính sách Nghị quyết 68 đã cơ bản hoàn thành như: giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch…

Bên cạnh những mặt tích cực, theo lãnh đạo Sở LĐTBXH một số huyện thị của tỉnh chưa sáng tạo, linh hoạt, còn máy móc trong cách hiểu và áp dụng, nên chưa đảm bảo kịp thời trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ các đối tượng từ Nghị quyết 68.

Làm việc với các sở, ngành chức năng của tỉnh Thái Bình, các thành viên của đoàn công tác đã hướng dẫn, giải đáp các chính sách Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 sửa đổi giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đẩy nhanh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh - 2
Trưởng đoàn kiểm tra Vũ Xuân Hân tại cuộc làm việc với lãnh đạo các Sở, ngành tại Thái Bình

Tại cuộc làm việc, Trưởng đoàn Vũ Xuân Hân ghi nhận những nỗ lực triển khai chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội của tỉnh Thái Bình. " So với nhiều địa phương phía Nam, Thái Bình có thuận lợi kiểm soát dịch chặt chẽ ngay từ đầu. Đây là điều kiện để các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19", ông Vũ Xuân Hân nhận xét.

Đánh giá cao hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động bằng tiền hỗ trợ theo chính sách, ông Hân cũng mong muốn, thời gian tới, địa phương đẩy nhanh việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đã qua rà soát, thẩm định, kiểm tra.

Ngân hàng Chính sách xã hội Thái Bình đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị vay vốn của 6 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 300 lượt lao động, số tiền 938,96 triệu đồng.