TP Cần Thơ:
Lưu ý thực trạng thiếu hụt lao động sau dịch
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan lưu ý, trước thực trạng thiếu hụt lao động như hiện nay, UBND TP Cần Thơ cần rà soát lại, có kế hoạch phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan dẫn đầu đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ để kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP.
Dành hơn 400 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết, tính đến nay thành phố đã thực hiện 11/12 chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch (một chính sách không thực hiện do không phát sinh hồ sơ) với hơn 331.700 lao động được duyệt hỗ trợ. Thành phố đã chi 252.900 người với số tiền hơn 392 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch.
Các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính sách ngừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất thực hiện đạt 100%; chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, BHXH TP Cần Thơ đã chi 56.304 người với số tiền hơn 136 tỷ đồng. Còn 18.000 lao động còn lại, BHXH TP Cần Thơ cam kết sẽ chi xong cho người lao động trước ngày 15/11.
Đáng chú ý là nhóm chính sách 12 (lao động tự do), TP Cần Thơ đã phê duyệt hơn 214.600 người với kinh phí trên 429, 3 tỷ đồng; đến nay đã chi hơn 149.400 người với số tiền 297,9 tỷ đồng, đạt hơn 69%.
Liên quan vấn đề này, đoàn công tác đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương trong việc rà soát và duyệt chi hỗ trợ cho hơn 214.600 lao động tự do. Tuy nhiên, số lao động tự do được duyệt chi quá nhiều trong khi dân số TP Cần Thơ chỉ hơn 1,2 triệu người?
Giải đáp thắc mắc này, bà Trần Thị Xuân Mai cho rằng, trong 5 nhóm đối tượng lao động tự do được HĐND TP Cần Thơ thông qua hỗ trợ mỗi trường hợp 2 triệu đồng, có nhóm lao động thời vụ (nhóm 3) và nhóm lao động làm các công việc khác (nhóm 5) theo hướng mở, phù hợp những lao động đặc thù của các địa phương, nhằm không bỏ sót lao động đang gặp khó khăn thật sự.
Ngoài ra, lãnh đạo TP Cần Thơ quan niệm rằng, khi người Cần Thơ ở những địa phương khác nhận được hỗ trợ, thì thành phố phải giang tay hỗ trợ cho những lao động ở địa phương khác đến sinh sống lao động tại Cần Thơ. Với điều kiện, họ phù hợp trong 5 nhóm đối tượng và được công an xã, phường xác nhận có đăng ký thường trú tại địa phương là xem xét hỗ trợ.
Bà Trần Thị Liễu - Phó Cục trưởng Cục quan hệ Lao động và Tiền lương đánh giá cao khi TP Cần Thơ thực hiện nhiều nhóm chính sách hỗ trợ đạt từ 60-70%. Tuy nhiên vẫn còn một số nhóm chính sách đạt tỷ lệ thấp, như: chính sách hỗ trợ cho người lao động ngừng việc chỉ 813 lao động, đạt 1.9%. Hoặc chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đến nay chưa có hồ sơ nào. Tỷ lệ còn thấp là do đâu? Do vướng thủ tục hay lý do nào khác?
Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất, tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Tuy nhiên, vừa qua đã có 2-3 doanh nghiệp ngành may mặc, giày da… có nhu cầu đào tạo việc làm cho khoảng 1.200 công nhân.
Lãnh đạo ngành lao động TP Cần Thơ còn kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cho kéo dài thời gian thực hiện chính sách số 3 (đào tạo duy trì việc làm) đến cuối năm 2022. Vì từ 6/2022, các doanh nghiệp mới thật sự cần vốn để đào tạo duy trì việc làm.
Theo báo cáo UBND TP Cần Thơ, từ 1/10 đến 26/10, đã có hơn 26.000 lao động tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trở về TP Cần Thơ. Ngoài các công tác phân nhóm, xét nghiệm, chăm sóc y tế, lãnh đạo TP Cần Thơ còn hỗ trợ khẩn cấp 15kg gạo/người và hỗ trợ 500.000 đồng/người để người dân mua thực phẩm. Ngoài ra, trong thời gian người dân cách ly tập trung, cách ly y tế hay cách ly tại nhà, lãnh đạo TP Cần Thơ hỗ trợ 100% để người dân không phải tốn thêm khoản phí nào.
Quan tâm thực trạng thiếu hụt nguồn lao động
Lãnh đạo TP Cần Thơ cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 11.128 doanh nghiệp với gần 150.000 lao động, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến ngày 21/10 chỉ có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại với hơn 39.600 lao động. Các doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại là do chưa đảm bảo tiêm đủ vaccine cho người lao động và chưa kịp xây dựng phương án sản xuất an toàn theo quy định phòng, chống dịch của UBND TP Cần Thơ.
Một vấn đề lãnh đạo thành phố nêu lên tại buổi họp là trực trạng các doanh nghiệp TP Cần Thơ đang thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng. Cụ thể, đối với nhóm doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, từ tháng 6 cần tuyển hơn 22.000 lao động (chủ yếu là doanh nghiệp may, giày da…). Đơn cử có doanh nghiệp đang thiếu 6.000 lao động.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 33 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với số lượng 16.000 lao động. Hiện nay đã có 26 doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng chỉ có hơn 4.800 lao động trở lại làm việc, còn thiếu gần 12.000 lao động.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, đây là vấn đề lớn của TP Cần Thơ trong thời gian tới khi bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sau dịch.
Do đó, UBND TP Cần Thơ cần chỉ đạo Ban quản lý KCN, Khu kinh tế, Sở LĐ-TB&XH rà soát lại con số thiếu hụt lao động thật sự, nhu cầu thực tuyển dụng của các doanh nghiệp, đối tượng lao động theo từng nhóm ngành, nghề,… Từ đó, TP Cần Thơ có kế hoạch, giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Liên quan vấn đề này, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH phía Nam, chia sẻ: "Thời gian qua TP Cần Thơ đón gần 30.000 người lao động ngoài tình về quê, trong đó có đến 12.000 trong độ tuổi lao động. Trước thực trạng các doanh nghiệp đang "khát" nguồn lao động như hiện nay thì một mặt Cần Thơ cần có những chính sách đào tạo nghề, kết nối số lao động về quê cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Mặt khác, lãnh đạo TP Cần Thơ nên mạnh dạn cho các doanh nghiệp mở cửa hoạt trở lại nếu độ bao phủ vaccine chiếm tỷ lệ cao".
Tại buổi họp, nhiều đại biểu trong đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH cũng gợi mở cho lãnh đạo TP Cần Thơ nhiều vấn đề giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động hồi hương. Chẳng hạn, thành phố góp vốn vào ngân hàng chính sách xã hội, từ đó ngân hàng giải ngân để người dân tiếp cận nguồn vốn trồng trọt, chăn nuôi, mua bán, học nghề hoặc thành phố quan tâm đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, vì thời gian tới các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ cần nhiều lao động.
Tăng cường giám sát tránh chi sai, trục lợi chính sách
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, mặc dù thời gian qua dịch bệnh trên địa bàn TP Cần Thơ diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng các Sở, ngành và các địa phương phối hợp nhịp nhàng đưa chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời đến hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một trong những điểm sáng, Thứ trưởng Hoan biểu dương TP Cần Thơ là dù khó khăn nhưng thành phố đã dành hơn 400 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, đây là nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất và khó khăn nhất khi dịch bệnh xảy ra.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đề nghị Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện một số nhóm chính sách hỗ trợ còn thấp, như nhóm lao động ngừng việc, nghỉ việc. Và tìm hiểu vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với nguồn vốn vay để trả lương, đào tạo nghề, duy trì sản xuất. Doanh nghiệp chưa cần hay vì chính sách còn vướng điều gì đó?
Ngoài ra, Thứ trưởng Hoan đề nghị lãnh đạo TP Cần Thơ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để tránh chi sai, chi nhầm và trục lợi chính sách. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, các chính sách đang thực hiện tốt, chưa phát hiện sai sót nào.
Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho rằng, sự quan tâm của Bộ LĐ-TB&XH cũng như sự có mặt đoàn công tác tại TP Cần Thơ để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động là nguồn động viên quý báu để TP Cần Thơ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đưa những chính sách của Đảng, Nhà nước đến người lao động.
Dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lao động tự do. Chính vì thế sự ra đời kịp thời Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 không chỉ mang ý nghĩa đảm bảo vấn đề an sinh xã hội mà còn là yếu tố quan trọng để chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Và theo ông Dương Tấn Hiển, khi TP Cần Thơ bắt đầu thích ứng, an toàn, từng bước kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế bắt đầu có những khó khăn mới, nhất là trực trạng thiếu nguồn lao động tại các khu công nghiệp cũng như các chính sách giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động hồi hương.
Đây là những vấn đề lãnh đạo TP Cần Thơ đang quan tâm, tuy nhiên thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở, ngành, địa phương khẩn trương chi nhanh, đủ và đúng các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động.