Đầu năm mới giật mình với câu hỏi: "Kiếm tiền để… làm gì?"

Năm 2018 khép lại, mở ra năm 2019 đầy hứa hẹn cùng vô số thách thức. Trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, không ít lời sẻ chia đề cập tới ước mong về một năm đủ đầy, sung túc. Nhưng cũng chính suy nghĩ về sự kiếm tiền này, đã khiến không ít người phải đăm chiêu. Bởi nhiều lúc, chúng ta phải tự hỏi trong tâm trạng nặng trĩu: “Vất vả, cật lực kiếm tiềnnhư thế, để… làm gì?”

Kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2019 của đa số người làm công việc văn phòng đã kéo dài 4 ngày. Với những ai làm ngành nghề dịch vụ, phải làm cả thứ 7, thì kỳ nghỉ của họ chỉ còn 3 ngày.

Nhưng như thế vẫn là quá hạnh phúc, nếu so với những người chỉ được nghỉ đúng 1 ngày, hay thậm chí là không có ngày nghỉ nào! Họ là ai vậy?

Trong tiết trời khắc nghiệt, khi nhiều người ủ mình trong chiếc chăn ấm, vẫn có không ít người mưu sinh với hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay
Trong tiết trời khắc nghiệt, khi nhiều người ủ mình trong chiếc chăn ấm, vẫn có không ít người mưu sinh với hy vọng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay

Vào buổi trưa trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, anh thợ sửa xe vừa tháo vít, vừa hỏi tôi: “Dịp này các anh được nghỉ mấy ngày?”

Rồi chưa kịp để khách có câu trả lời, anh tự bần thần bảo: “Bọn em thì chỉ được nghỉ đúng một ngày thôi! Ngày người ta đi chơi thì mình lại phải làm cật lực nhất!”

Anh thợ nói thế, khi trên mặt vẫn vằn vệt dọc ngang của dầu máy, của bụi bẩn từ lốp bám vào. Và lúc anh bần thần chia sẻ câu nói đó, thì bất giác anh ngẩng lên, nhìn ra ngoài đường. Lúc đó, nô nức người và xe vui vẻ hòa vào dòng người đi chơi ngày cuối năm, với quần áo đẹp, với những món đồ vừa sắm treo lủng lẳng hai bên…

Với nhiều người, câu chuyện cơm áo gạo tiền chưa bao giờ là dễ thở
Với nhiều người, câu chuyện cơm áo gạo tiền chưa bao giờ là "dễ thở"

Ở cạnh hàng sửa xe đó là quán bún riêu của đôi vợ chồng ngoại tỉnh. Họ có một cậu con trai khoảng 4 tuổi, thường ngồi cạnh người mẹ luôn tay bốc bún, chan nước, chuyển cho chồng bưng đến khách. Trong căn phòng thuê giá siêu rẻ ở Hà thành, với diện tích chỉ vỏn vẻn 10m2, ban ngày là san sát những chiếc bàn ghế nhựa cho khách ngồi, tối đến là nơi gia đình 3 người trải chiếu ra nằm ngủ.

Trong không gian chật chội đó, người chen với người, với bát đũa, với những chiếc bếp than, tủ lạnh trữ đồ, với cái phòng vệ sinh có lẽ không đủ chỗ để xoay người.

Vì chật, và hai vợ chồng luôn tay phục vụ, nên cách duy nhất để họ trông chừng cậu con trai đang ở độ tuổi nghịch ngợm là để nó dán mắt vào chiếc điện thoại, xem hết video này tới clip khác. Cứ thế, thằng bé ngồi giữa những làn hơi từ nồi nước sôi sùng sục ở cạnh, xem điện thoại tới mụ mị người, tới mức phát chán, nhưng khi nó chực nhỏm người đứng dậy, mẹ nó lại kéo xuống, ấn vào ghế. Chỉ có thế, thì mới… trông được. Không thì giữa những nước sôi, những chiếc xe phi qua lại, ai nói trước điều gì?

“Bọn em xoay xở thế mà vẫn chật vật quá, vẫn chưa quyết định cho thằng bé đi nhà trẻ được. Làm hùng hục cả ngày mà chỉ đủ ăn và trả tiền nhà, là hết sạch!”, người vợ giải thích như thế cho câu chuyện bức bí luôn hồi của mình.

Một phút lặng trong dòng đời xuôi ngược
Một phút lặng trong dòng đời xuôi ngược

Chếch sang bên kia đường, là một quán pizza đông khách, nhân viên phục vụ hớt hải bưng bê. Những người khách tấp nập vào quán, xen giữa là những người vào quán chờ đợi, gọi đồ nhưng… không ăn.

Họ mặc những chiếc áo đồng phục màu xanh, màu đỏ, và làm nghề rất “cập nhật” hiện nay – ship đồ ăn. Khi nhận đơn, họ tới cửa hàng, ngồi chờ đồ ăn được đóng vào hộp, rồi lặng lẽ đi ra, mang tới nơi đặt.

Vậy là quán bánh pizza trở thành một bức tranh đa sắc màu với những chi tiết vui trầm xen kẽ: Những sắc màu xanh, đỏ tĩnh lặng đợi chờ, ngóng món đồ của mình được mang ra để kịp ship, bên cạnh những sắc màu tươi vui, nhộn nhịp của những khách hàng thưởng thức.

Có những lúc, tôi thấy một shipper nuốt nước bọt rất nhanh, nhưng anh chọn cách dán mắt vào màn hình điện thoại để xem thứ gì đó, để quên đi mùi thơm của đồ ăn đang bủa vây mình, thay vì chọn một thứ bỏ bụng có giá đắt hơn cả cuốc xe chục km lúc này…

Đôi khi, chỉ một cốc nước chè và đĩa hướng dương cũng giúp con người ta thanh thản, khi biết dành khoảnh khắc cho riêng mình
Đôi khi, chỉ một cốc nước chè và đĩa hướng dương cũng giúp con người ta thanh thản, khi biết dành khoảnh khắc cho riêng mình

Trong những hoàn cảnh ở trên, tôi tin rằng sẽ có những khoảnh khắc, người lao động tự chất vấn chính bản thân mình, với chút gì đó nghèn nghẹn: Sao không thể đặt tất cả sang một bên, sao vất vả để kiếm tiền như thế, để làm gì?

Nhưng hỏi, nhiều khi chẳng phải để trả lời! Chỉ cần nhìn vào những hóa đơn tiêu dùng không thể cắt bớt hằng tháng, nhìn vào đôi mắt trong veo của đứa bé chờ đợi bố mẹ đi làm về, nhìn vào thùng gạo dính những hạt cuối cùng trong khe đáy, tự họ và tôi có câu trả lời.

Năm mới đến, ai cũng có cho mình một mong ước tốt đẹp nào đó, và không ít người sẽ mong có một năm sung túc, đủ đầy. Tôi cũng vậy!

Và mỗi khi cảm thấy cuộc sống này bức bách quá, cảm thấy muốn đặt ra câu hỏi “Kiếm tiền để làm gì?” cho bản thân mình, tôi lại đi tìm một khoảng lặng. Có thể chỉ vài phút, hay nửa buổi, với một cốc nước trà chanh mát lạnh, một đĩa hạt hướng dương giòn tan, ngồi nép vào góc tường của quán nước bình dân, và tự cho mình thoát khỏi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” trong chốc lát.

Chỉ thế là đủ! Và khi chứng kiến anh thợ sửa xe, đôi vợ chồng bán bún hay những shipper vất vả đang ngả nghiêng trong dòng đời vội vã, tôi đã rất muốn ghé tai họ để nói rằng: “Hãy dành một khoảng lặng! Chỉ một chút thôi, cho riêng mình! Năm mới tới rồi đó, anh chị à!”.

Theo Nguyễn Trung Hiếu/An ninh Thủ đô