Đắk Lắk:

Đào tạo nghề để nâng cao thu nhập cho lao động trở về từ phía Nam

Thúy Diễm

(Dân trí) - Đa phần người lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam là lao động tự do, làm những công việc đơn giản… nên mức thu nhập thấp. Đắk Lắk dự kiến đẩy mạnh đào tạo nghề cho lực lượng này.

Trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, tỉnh Đắk Lắk có trên 150.000 người trở về từ các tỉnh, thành phía Nam (trên 130.000 người trong độ tuổi lao động).

Đào tạo nghề để nâng cao thu nhập cho lao động trở về từ phía Nam - 1

Người lao động trở về từ các tỉnh phía Nam sẽ được ưu tiên đào tạo nghề (Ảnh: Thúy Diễm).

Các buổi làm việc, nắm bắt tình hình lao động, việc làm với một số tỉnh, thành phía Nam cho thấy, chủ yếu người Đắk Lắk làm việc tại khu vực trọng điểm kinh tế lớn nhất nước này là lao động tự do, lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Theo thống kê, tại Bình Dương hiện có trên 45.000 lao động Đắk Lắk có giao kết hợp đồng làm việc cho hơn 3.700 doanh nghiệp. Hiện tại còn hàng chục nghìn lao động tự do làm việc tại tỉnh này. Riêng tại TPHCM, có gần 35.000 người là lao động tự do.

Do chủ yếu các lao động đều làm những công việc đơn giản, không đòi hỏi kỹ năng và tay nghề cao dẫn đến đời sống của còn khó khăn điều kiện sinh hoạt, chỗ ở và hầu như không có sự tích lũy khi trở về địa phương.

Bên cạnh đó, lao động không có giao kết hợp đồng với các doanh nghiệp khiến các địa phương khó quản lý, thống kê.

Trước những thực tế trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo để có các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động nhằm tăng được thu nhập, đảm bảo cuộc sống ổn định cho nhóm lao động này.

Đào tạo nghề để nâng cao thu nhập cho lao động trở về từ phía Nam - 2

Hiện nhu cầu lao động tại các tỉnh, thành phía Nam rất lớn (Ảnh: Thúy Diễm).

Một lãnh đạo phòng Lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk) cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương tăng cường tuyên truyền, tuyển sinh đào tạo cho người lao động.

Theo đó, đối với lao động tự do, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được đào tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đăng ký nhu cầu bố trí kinh phí đào tạo nghề cho năm 2022.

Theo vị lãnh đạo này, hiện đã có 6 huyện có văn bản tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề với khoảng 75 lớp học với các ngành chủ yếu như: điện dân dụng, xây dựng, may mặc, sửa chữa máy nông nghiệp…

"Vừa qua có một số đơn vị từ tỉnh, thành phía Nam đến Đắk Lắk để trực tiếp tuyển dụng số lượng lao động tương đối lớn. Các đơn vị cũng đề nghị phối hợp để tổ chức đào tạo nghề cho lao động và liên kết với trường nghề gửi học sinh xuống các doanh nghiệp thực tập có trả lương. Những học viên này sau khi tốt nghiệp sẽ được tuyển dụng ngay", lãnh đạo phòng Lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp thông tin thêm.

Được biết, hiện các tỉnh, thành phía Nam đang có nhu cầu tuyển dụng rất cao và đều có chính sách để thu hút lao động trở lại làm việc như: tổ chức đón, tiêm vaccine, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền chăm sóc con nhỏ...

Hiện có trên 10.000 lao động Đắk Lắk đã quay về nơi làm việc cũ và dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ có khoảng 20.000 người lao động Đắk Lắk có nhu cầu về các tỉnh phía Nam làm việc.