Bình Định:

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chưa gắn với giải quyết việc làm

Doãn Công

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng việc mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng chưa gắn với giải quyết việc làm, dẫn đến lực lượng lớn lao động là thanh niên không mặn mà tham gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa chủ trì buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với 500 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đại diện thanh niên tỉnh này được tổ chức ngày 17/3.

Tìm lời giải để đào tạo gắn với việc làm

Tại buổi đối thoại, các bạn đoàn viên, thanh niên đặt nhiều câu hỏi để lãnh tỉnh trả lời. Trong đó, tập trung vào những khó khăn hiện nay như: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có thanh niên; chính sách liên kết đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên…

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chưa gắn với giải quyết việc làm - 1
Nhiều ý kiến được các bạn đoàn viên, thanh niên đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, nhiều ý kiến quan tâm đến chính sách thu hút nhân tại, trí thức trẻ của tỉnh nhà đối với sinh viên ra trường tốt nghiệp loại xuất sắc…

Tham dự buổi đối thoại, anh Võ Văn Vương (ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát), đánh giá: "Trong thời gian vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan mở nhiều lớp đào tạo cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc mở các lớp này chưa gắn với vấn đề giải quyết việc làm, dẫn đến khó thu hút các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia".

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, trong năm 2020, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm 21.600 lượt người, trong đó trên 80% là thanh niên. Giải quyết việc làm cho 21.545 người, trong đó có 4.568 lao động là thanh niên.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên cũng còn những hạn chế: Công tác phối hợp với các Sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương chưa được đồng bộ và hiệu quả.

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chưa gắn với giải quyết việc làm - 2

Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định.

Công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng đào tạo nghề ở một số nghề còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, việc làm chưa thật sự ổn định, bền vững. Mặt khác nhận thức của người dân về sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề lập nghiệp còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề; rà soát quy mô, ngành nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo nhu cầu người lao động và thị trường lao động; gắn đào tạo với giải quyết việc làm, trong đó chú trọng đến nhu cầu của người sử dụng lao động.

Bàn việc thu hút nhân lực giỏi

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong 5 năm tới, tỉnh đặt mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung ban hành chính sách để thu hút tài năng trẻ, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ các cấp.

Đặc biệt chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân; tập trung hỗ trợ đào tạo bậc cao cho tỉnh thiếu như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ… cố gắng phấn đấu chi 1% cho công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chưa gắn với giải quyết việc làm - 3
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trả lời một số kiến nghị của thanh niên.

"Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ các bạn công chức, viên chức đi học thạc sỹ, tiến sỹ với những ngành tỉnh đang cần; xây dựng chính sách thu hút sinh viên giỏi, nhất là sinh viên học ở nước ngoài ở những ngành tỉnh đang cần", ông Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Phi Long cho biết thêm, hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện Khu công nghiệp Becamex VSIP ở huyện Vân Canh có diện tích 1.000 ha để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu thu hút công nghệ cao.

Trong 5 năm tới, nếu hoàn thiện KCN Becamex VSIP ở huyện Vân Canh sẽ tạo ra cơ hội việc làm rất đa dạng, rất rộng mở cho nhiều lao động tại địa phương…

Liên quan đến vấn đề thanh niên ở nông thôn gặp khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay khởi nghiệp, ông Nguyễn Phi Long cho rằng nguồn vốn vay cho thanh niên hiện nay là quá ít.

Ông Long đề nghị Sở Tài chính tính toán, tham mưu UBND tỉnh trong việc cân đối các nguồn lực để hỗ trợ các bạn thanh niên có một nguồn riêng để vay vốn làm việc.