Người làm nghề trồng mai ở Bình Định tất bật "tút tát" cây sau Tết
(Dân trí) - Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, tại các làng trồng mai vàng ở thủ phủ mai vàng miền Trung, các hộ trồng mai lại hối hả "tút" lại cây mai để chuẩn bị cho mùa mai vàng bán Tết năm 2022.
Trong tháng Chạp, người làm nghề trồng mai vàng ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) tất bật với công việc lặt lá mai để hoa ra đúng dịp Tết. Qua tháng Giêng, họ lại hối hả với những việc nhổ cọc, suốt hoa, nụ, cắt tỉa ngắn bớt chi (cành), thay đất, vào chậu mới để chuẩn bị cho mùa Tết năm sau.
Tại nhiều vườn mai, sau Tết là thời điểm các nhà vườn dồn sức thuê nhân công "tút" lại cây mai. Bởi vì, sau một năm chăm sóc, chất dinh dưỡng tích tụ nuôi bông, búp khiến cây mai gần như "kiệt sức". Nếu không cắt tỉa cành, bấm những hoa, búp còn lại thì chất lượng bông năm sau sẽ bị ảnh hưởng.
Vườn mai của ông Nguyễn Ngọc Ẩn (61 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An) với trên 2.000 chậu mai, trong dịp Tết vừa qua, ông chỉ bán được khoảng 300 chậu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thương lái các nơi không thể về mua mai đưa đi tiêu thụ.
Lượng mai tồn đọng lại lớn, sau Tết ông phải thuê thêm lao động nhổ cọc, tuốt hoa, nụ còn lại, thay đất, vào chậu mới. "Dù hoa đang nở rất đẹp, song bắt buộc nhà vườn phải cắt tỉa ngắn các cành, bấm sạch hoa và búp. Bởi vì, sau một năm chăm sóc, chất dinh dưỡng tích tụ để nuôi hoa, nên sau Tết nếu không làm công việc này ngay sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa năm sau", ông Ẩn nói.
Ông Ẩn cho biết thêm, thông thường cứ 2 năm phải thay đất phù sa và vào chậu mới một lần. Mục đích của việc thay đất mới là tạo một lớp đất màu mỡ để cây sinh trưởng tốt hơn. Đặc biệt, trong thời gian này, người trồng mai phải thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu bọ cắn lá.
"Những ngày này, người trồng mai không có ngày nghỉ. Nhà nào trồng khoảng 1.000 - 2.000 chậu thì suốt ngày cặm cụi ngoài ruộng, ngoài vườn mai lo chăm cây. Tuy nhiên, thời điểm nhà vườn "mất ăn mất ngủ" là tháng Chạp, vì phải căn lặt lá để hoa nở đúng dịp Tết. Tiếp đến ra tháng Giêng thì lo cắt tỉa cành, suốt hoa, nụ, thay đất, vào chậu mới, bơm thuốc kích rễ, lá, bơm thuốc trừ sâu…", ông Ẩn chia sẻ.
Với hơn 1.000 chậu mai, anh Nguyễn Quốc Toàn (35 tuổi, quê Cà Mau, lấy vợ về làng mai thôn Háo Đức, thị xã An Nhơn), sau Tết vợ chồng anh Toàn suốt ngày đầu tắt mặt tối ngoài vườn mai để chăm sóc.
"Mỗi năm tôi bỏ ra bỏ ra 60-70 triệu tiền thuốc, chưa tính tiền thuê nhân công và các chi phí khác. Trong khi Tết vừa qua, do dịch Covid-19 chỉ bán được khoảng 200 chậu, cũng may trừ hết chi phí thì huề vốn. Hi vọng, qua năm sau hết dịch tình hình sẽ khởi sắc hơn", anh Toàn nói.
Anh Toàn cũng chia sẻ thêm, khó khăn càng thêm khó khăn với các nhà vườn, bởi trong mùa thay đất cho mai thì đất phù sa, cát cũng tăng giá. "Trước Tết Nguyên đán, 1 xe công nông đất phù sa, cát đều giá 300.000 đồng, sang tháng Giêng tăng lên 400.000 đồng", anh Toàn nói.
Sau Tết cũng là thời điểm người lao động làm theo thời vụ kiếm thêm thu nhập từ việc làm thuê cho các nhà vườn.
Bà Nguyễn Thị Lan (56 tuổi, thôn Trung Định) cho biết, nếu như lặt lá, nhổ cỏ công việc nhẹ hơn thì được trả công 150 nghìn/ngày; còn khiêng chậu, sang đất được trả 170 nghìn/ngày. "Nhà tôi có hơn 7 sào ruộng, công việc này chủ yếu làm thêm lúc nông nhàn, để có đồng ra đồng vào. Như Tết vừa rồi, các nhà vườn thuê lặt lá, vận chuyển mai từ ngoài ruộng đưa lên xe cho thương lái tôi kiếm hơn 4,5 triệu đồng để lo Tết", bà Lan nói thêm.
Theo thống kê của UBND thị xã An Nhơn, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng doanh thu của người trồng mai ở địa phương ước đạt gần 80 tỷ đồng.