1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Dang dở việc xuất ngoại để thực hiện giấc mơ "đổi đời"

Thanh Tùng

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người dân nghèo tại huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) chưa thể xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài, giấc mơ thoát nghèo tiếp tục dang dở.

Xuất ngoại để mong thoát nghèo

Vi Văn Đức, 21 tuổi, ở thôn Xằm, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa có hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn nhất xã. Vừa học hết lớp 10, Đức đã phải dừng bước để đi làm. Mặc dù trải qua nhiều công việc từ làm rẫy đến phụ hồ, thợ cơ khí nhưng cuộc sống gia đình vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo.

Dang dở việc xuất ngoại để thực hiện giấc mơ đổi đời - 1

Căn nhà nhỏ của gia đình Vi Văn Đức tại thôn Xằm, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã nhiều năm vẫn chưa có tiền để sửa chữa.

Đầu năm 2021, khi chính quyền địa phương phối hợp cùng công ty xuất khẩu lao động mở lớp tuyển sinh, đào tạo tại địa phương, anh đã quyết định theo học với hy vọng xuất ngoại để thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, mọi thủ tục đã chuẩn bị sẵn sàng và chờ ngày xuất cảnh thì cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu lao động ở các nước rơi vào trạng thái "đóng băng", khiến chàng trai nghèo chưa thể sang Đài Loan được.

Dang dở việc xuất ngoại để thực hiện giấc mơ đổi đời - 2

Với mong muốn cuộc sống sẽ bớt khổ, Đức đã chọn cách đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo.

"Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tháng 2/2021 tôi làm hồ sơ học tiếng để đi Đài Loan làm việc với hy vọng cuộc sống gia đình sẽ thay đổi, bớt nghèo đi. Dự kiến ngày 22/5/2021sẽ bay sang đó làm việc, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên Đài Loan dừng tiếp nhận nên tôi chưa thể đi như dự kiến", Đức chia sẻ.

Chưa thể xuất cảnh đi lao động, nhiều tháng qua Đức ra Hải Dương làm thợ cơ khí kiếm tiền trang trải cuộc sống, "nín thở" chờ ngày thị trường xuất khẩu lao động mở cửa trở lại.

Cách nhà Đức không xa, hoàn cảnh của chị Quách Thị Long (41 tuổi) cũng chung cảnh khó khăn. Gia đình chị Long sinh sống chủ yếu dựa vào việc cuốc nương, làm rẫy. Nhà nghèo, đông con nên suốt nhiều năm qua, gia đình chị luôn sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề.

Dang dở việc xuất ngoại để thực hiện giấc mơ đổi đời - 3

Gia đình nghèo, nhà cửa chưa ổn định lại đông con, chị Quách Thị Long muốn đi xuất khẩu lao động để mong thay đổi cuộc sống.

Chị Long quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Thế nhưng, khi khóa đào tạo cơ bản được hoàn tất, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng cũng khó khăn nên chị chưa thể xuất cảnh đi lao động như dự kiến.

"Quyết định đi lao động nước ngoài cũng vì hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình có 4 người con. Khi học xong thì dịch bệnh bùng phát trở lại, việc vay vốn ngân hàng cũng gặp khó khăn nên giờ tôi chỉ còn cách chờ đợi thị trường mở cửa trở lại và vay vốn để có thể bay được, có thế thì mới mong thoát nghèo được", chị Long tâm sự.

Dang dở việc xuất ngoại để thực hiện giấc mơ đổi đời - 4

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chị Quách Thị Long cũng chưa đi xuất khẩu lao động được.

Ông Hà Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, cho biết: "Nhiều năm trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát thì hoạt động xuất khẩu lao động giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo, đời sống kinh tế nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, các đơn hàng xuất khẩu phải dừng lại. Nhiều người phải đi các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng… tìm kiếm công việc khác. Còn một số trường hợp đã vay vốn ngân hàng thì thời gian đầu rất khó khăn vì phải trả lãi hàng tháng".

Chờ ngày thị trường lao động khởi sắc trở lại

Theo thống kê của UBND huyện Như Xuân, từ năm 2021 đến nay, 159 người trên địa bàn huyện có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động. Trong đó, 59 người đã đậu đơn hàng xuất khẩu và đang đợi ngày xuất cảnh, 32 người đang học và 68 người đang tìm hiểu. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu lao động tại địa phương đã gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: "Trong hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Trong đó, có việc tham gia xuất khẩu lao động của người dân".

Dang dở việc xuất ngoại để thực hiện giấc mơ đổi đời - 5

Nhiều người lao động nghèo ở huyện miền núi Thanh Hóa gặp khó khăn khi không thể xuất cảnh đi lao động vì dịch Covid-19.

Theo ông Tuấn, việc các thị trường xuất khẩu lao động chưa mở cửa trở lại nên một số lao động đã đi học tiếng và thi tốt nghiệp nhưng chưa thể bay được phải tìm việc làm khác. Do đặc thù là huyện miền núi, một số gia đình đã vay vốn đi xuất khẩu lao động nhưng vì dịch bệnh không thể bay được nên cuộc sống bị đảo lộn. Trong khi đó, một số gia đình trước đó đã vay vốn để phát triển kinh tế, nên việc tiếp tục vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Người lao động miền núi "vụt tắt" giấc mơ xuất ngoại để thoát nghèo

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, UBND huyện Như xuân sẽ phối hợp với các xã trên địa bàn rà soát lại toàn bộ số lượng người có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động và số lượng những lao động đã học và thi tốt nghiệp nhưng chưa được bay. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân cần vững tin trong thời gian tới thị trường lao động quốc tế sẽ mở cửa trở lại, người dân sẽ xuất cảnh để tiếp tục nguyện vọng của mình.

"Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tiếp tục hỗ trợ để người dân được tiếp cận nguồn vốn, có đủ điều kiện để tham gia xuất khẩu lao động trong thời gian sớm nhất", ông Tuấn cho biết thêm.

Không chỉ người lao động chịu ảnh hưởng, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động rơi vào cảnh lao đao. Theo ông Lê Đình Toàn, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Thuận An DMC, dịch Covid-19 suốt hai năm qua đã khiến thị trường xuất khẩu lao động bị khủng hoảng nghiêm trọng. Có những thời điểm công ty "đóng băng" hoàn toàn, không có lao động tham gia, phải cho nhân viên nghỉ việc.

Dang dở việc xuất ngoại để thực hiện giấc mơ đổi đời - 6

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp về lĩnh vực xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn.

Nói về nhu cầu xuất khẩu lao động tại các huyện miền núi, ông Toàn cho biết, hiện nay khi thị trường xuất khẩu lao động đang dần khởi sắc trở lại thì ở một số địa phương này lại đang gặp phải khó khăn về tiếp cận vốn vay.

"Theo quy định mới, người lao động chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng, trong khi đó nguồn kinh phí để có thể xuất cảnh lên đến 70 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Đa số các lao động đều có hoàn cảnh khó khăn nên không đủ kinh phí tham gia. Vì vậy, hy vọng thời gian tới, các ngành chức năng và các ngân hàng có thể tạo điều kiện để người dân tại đây tiếp cận vay vốn ưu đãi hơn để họ có thêm điều kiện được đi làm như nguyện vọng", ông Toàn chia sẻ.