Đảm bảo quyền lợi của người lao động ra nước ngoài làm việc

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quan trọng là phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, cung cấp lao động chất lượng, đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng", Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu lưu ý.

Người lao động đi xuất khẩu lương cao nhưng còn khó khăn

Ngày 28/2, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị chuyên đề về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động.

Ông Trần Nguyễn Trường Giang, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Bạc Liêu cho biết, năm 2022 có trên 200 lao động là đoàn viên, thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với mức thu nhập hàng tháng gửi về gia đình từ 15-20 triệu đồng mỗi tháng trở lên.

Tuy nhiên, theo ông Giang, người lao động nói chung, đoàn viên, thanh niên nói riêng phần lớn ở nông thôn nên trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong và sự hiểu biết pháp luật lao động còn hạn chế. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn ứng viên tham gia đi lao động nước ngoài cũng như việc chấp hành pháp luật ở nước sở tại.

Đảm bảo quyền lợi của người lao động ra nước ngoài làm việc - 1

Bà Nguyễn Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, nêu một số khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động.

Nêu thêm khó khăn, bà Nguyễn Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho rằng, bản thân người lao động và gia đình nhận thức còn hạn chế, tư tưởng không muốn cho con đi làm việc ở xa, sợ rủi ro. Người lao động còn hạn chế về trình độ nên chưa mạnh dạn đăng ký học tiếng, ngại phỏng vấn, lo sợ không đạt sẽ mất thời gian và chi phí học tập.

Đại diện Công ty Vinaincomex chi nhánh TPHCM cho biết, đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan giúp nhiều gia đình lao động thoát nghèo. Khi qua Đài Loan, lao động có được công việc và thu nhập ổn định, với mức lương hàng tháng từ 25-35 triệu đồng.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí sinh hoạt cộng với tiền thuế được nhận lại mỗi năm một lần thì trung bình khoảng 3 năm một lao động sẽ tích lũy được 250-300 triệu đồng.

Tuy nhiên, một trong những nút thắt ở thị trường Đài Loan là tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, bỏ ra ngoài sinh sống và làm việc bất hợp pháp. Việc này gây nhiều hệ lụy cho cả phía Đài Loan và đơn vị đưa lao động đi làm việc.

Hàng loạt giải pháp

Ông Trần Nguyễn Trường Giang, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Bạc Liêu cho biết, trong thời đại công nghệ hiện nay cần tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách ưu đãi về xuất khẩu lao động, thông tin về nhu cầu thị trường lao động trên các kênh truyền thông, mạng xã hội như zalo, facebook…

"Qua đó, cung cấp thông tin thị trường lao động ổn định, có uy tín, thu nhập cao một cách dễ dàng để người lao động tiếp cận. Ngoài ra, cần vận động thanh niên và người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài đăng ký tại Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc các điểm giao dịch tại địa phương trong tỉnh để tránh trường hợp bị lừa đảo", ông Giang chia sẻ.

Đảm bảo quyền lợi của người lao động ra nước ngoài làm việc - 2

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Chỉ đạo hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương lựa chọn, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong quá trình tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn, giáo dục định hướng, đào tạo, chi phí, việc làm, môi trường làm việc của lao động tại các công ty, doanh nghiệp ở nước ngoài.

"Trong quá trình tổ chức thực hiện phải tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi của người lao động, cũng như cung cấp lao động có chất lượng, đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng", ông Duy lưu ý.

Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu có 485 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó có 351 lao động đã xuất cảnh làm việc (Nhật Bản: 170 lao động, Hàn Quốc: 11 lao động, Đài Loan: 162 lao động và nước khác 5 lao động).

Trong năm 2023, tỉnh này dự kiến đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp.

Bạc Liêu sẽ hỗ trợ không hoàn lại đối với nhóm đối tượng 1 (hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp) gồm: Chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn, chi phí đi lại, khám sức khỏe, làm thị thực với mức 13 triệu đồng/lao động xuất cảnh.

Nhóm đối tượng 2 (lao động ngoài nhóm 1) được hỗ trợ 4 triệu đồng/lao động xuất cảnh với những chi phí như trên.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng hỗ trợ cho vay chi phí xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng kèm một số điều kiện, mục đích sử dụng vốn, mức vay cụ thể.

Trong đó, nhóm đối tượng 1 được vay tín chấp tại ngân hàng chính sách xã hội, mức vay 100% chi phí; đối với chi phí vay vượt quá 100 triệu đồng thì phần chi phí vượt sẽ cho vay từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội.

Nhóm đối tượng 2 được vay tín chấp ngân hàng chính sách xã hội tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương, mức vay 50% chi phí; vay tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, mức vay và điều kiện bảo đảm tiền vay theo quy định của ngân hàng theo từng thời kỳ (mức cho vay ít nhất 30% chi phí); số tiền còn lại 20% của tổng mức chi phí thì người lao động tự lo.