1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đắk Nông: Hái “lộc rừng” mùa mưa, bỏ túi nửa triệu đồng mỗi ngày

Dương Phong

(Dân trí) - Mỗi năm tranh thủ 3 tháng mùa mưa, hàng trăm hộ dân ở huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) đã lên rừng hái măng về bán. Công việc đã thành nghề kiếm sống của nhiều người dân nơi đây.

Dọc con đường từ trung tâm huyện Đắk G’Long vào xã Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long) tấp nập cảnh mua bán, chế biến măng rừng. Vào cao điểm của mùa mưa, mỗi xưởng sản xuất có thể thu mua đến vài tấn măng tươi.

Tất cả đều là măng rừng, thu hoạch từ các khu rừng lồ ô ngay chính nơi người dân sinh sống.

Anh Giàng Seo Sình (cụm 8, thôn 7, xã Đắk R’Măng) cho biết, do cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên bất kể mùa nào, người dân cũng có thể “kiếm được tiền” từ việc đi rừng.

Đắk Nông: Hái “lộc rừng” mùa mưa, bỏ túi nửa triệu đồng mỗi ngày - 1
Măng được người dân thu hái từ trên rừng về với số lượng lớn

Giải thích thêm, anh Sinh nói, gia đình anh cũng giống nhiều hộ dân khác, ngoài làm rẫy còn sống bằng nghề đi rừng. Thứ gì của rừng cũng đều có giá trị. Mùa khô thì đi hái chuối rừng và bông đót, mùa mưa thì măng lồ ô, nấm linh chi… những loài cây mọc tự nhiên, hoang dại.

Vừa nói, anh này vừa chỉ tay về phía mấy bao măng đang nằm gọn trên chiếc xe máy. Người đàn ông đồng bào Mông bảo, một ngày vợ chồng, con cái lên rừng hái măng thì cũng thu hoạch được hơn tạ măng tươi. “Nếu bằng giá hôm qua thì chỗ ấy cũng được khoảng 600.000 - 700.000 đồng”, anh Sình nhẩm tính.

Tuy nhiên, hái măng không phải đơn giản, để có măng ngon thì phải chịu khó vào sâu, nhất là những cánh rừng ít người đến, thậm chí đi cả 20km.

Đắk Nông: Hái “lộc rừng” mùa mưa, bỏ túi nửa triệu đồng mỗi ngày - 2

Sau khi thu hoạch, măng sẽ được sơ chế bằng cách luộc 

Anh Sình cho biết, mùa thu hoạch măng, các thành viên trong gia đình lúc nào cũng bận rộn, ban ngày đi lấy măng, chiều về ngồi bóc vỏ, rồi mới đem đi bán. Có hôm phải đi thuyền từ đêm, từ tỉnh Đắk Nông sang tỉnh Lâm Đồng hái măng.

Tương tự, một tháng sau khi mùa mưa bắt đầu, anh Nông Văn Hợp (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô) lại vào rừng hái măng le, lồ ô về bán.

Trung bình mỗi ngày, anh Hợp đi chừng hơn nửa buổi sáng, lấy được từ 30- 40kg măng tươi, được thương lái thu mua với mức giá dao động từ 7.000 -10.000 đồng/kg.

Đắk Nông: Hái “lộc rừng” mùa mưa, bỏ túi nửa triệu đồng mỗi ngày - 3

Vào mùa này, những lò chế biến măng rừng luôn đổ lửa

Theo anh Hợp, trước đây rừng le, rừng lồ ô bạt ngàn, măng mọc đầy xung quanh làng, chỉ cần đi một lúc là kiếm đầy bao. Nay rừng bị thu hẹp nên việc hái măng cũng vất vả hơn vì phải vào tận rừng sâu nơi có nhiều bụi le, lồ ô mới có nhiều.

Người lấy măng thường đi theo từng nhóm 2 đến 6 người. Khi vào rừng, mỗi người đi theo lối mòn riêng, khi măng đầy thì về lại địa điểm ban đầu để xuống núi. Trước đây, chủ yếu bà con hái về dùng trong gia đình, nhưng bây giờ măng đã được thu mua, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

“Trước đây măng rừng chỉ để muối mặn hoặc phơi khô ăn quanh năm. Bây giờ người ta mua nhiều hơn nên hái măng đến đâu là bán hết đến đó. Mỗi năm chỉ có hai ba tháng mùa mưa là măng ngon nên ai cũng phải tranh thủ đi kiếm măng mùa này”, anh Hợp chia sẻ thêm.

Đắk Nông: Hái “lộc rừng” mùa mưa, bỏ túi nửa triệu đồng mỗi ngày - 4
Măng được thu mua với số lượng lớn nên phải được xử lý sớm để đạt chất lượng cao

Bà Kiều Lê Thanh (thôn 7, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long), một tư thương chuyên thu mua măng rừng cho biết, thường thì người dân sẽ bán măng tươi nhưng cũng có nhiều hộ tự sơ chế rồi mới đem bán lại. Măng rừng chỉ thu hoạch trong mùa mưa vì măng mập, không bị đắng và sơ.

Theo đầu mối thu mua cây rừng này, trung bình mỗi ngày đi rừng, người dân có thể kiếm được 40- 50 kg măng tươi. Giá bán đầu mùa có thể lên đến 10.000 đồng/kg. Có khi một người thu nhập gần nửa triệu đồng nên nghề hái măng rừng trở thành nghề kiếm sống của hàng trăm hộ dân tại Đắk R’Măng.

Đắk Nông: Hái “lộc rừng” mùa mưa, bỏ túi nửa triệu đồng mỗi ngày - 5
Một phần măng được phơi khô để phục vụ Tết Nguyên đán

“Sau khi thu mua măng tươi, sẽ được luộc qua rồi đóng bao, chờ thương lái đến lấy. Thông thường, măng sơ chế sẽ để được khoảng 3 ngày. Nếu quá 3 ngày, măng sẽ chua, buộc phải mang ra phơi chứ không ăn tươi được nữa”, bà Thanh nói.

Tranh thủ trời nắng ráo, bà Thanh mang măng ra phơi khô. So với giá bán măng tươi, măng khô có giá trị hơn và bảo quản lâu hơn. Tuy nhiên, do không có nhân công phơi sấy nên chỉ một phần trong số măng thu mua được mới chế biến thành dạng khô.

“Măng khô chủ yếu để bán vào dịp tết và chuyển ra phía Bắc. Giá bán khoảng 150.000- 200.000 đồng/kg tùy theo loại măng”.

Đắk Nông: Hái “lộc rừng” mùa mưa, bỏ túi nửa triệu đồng mỗi ngày - 6
Công việc vất vả nhưng mang lại thu nhập cao cho lao động nông thôn trong 3 tháng mùa mưa

Một chủ lò măng khác tại thôn 4, xã Đắk Ha (huyện Đắk G’Long) cũng cho biết, đây là một trong những địa phương sản xuất măng lớn nhất của huyện. Vào cao điểm, hàng loạt các lò luộc măng “đỏ lửa” suốt cả ngày đêm để sơ chế măng cho kịp.

“Măng có sẵn trong tự nhiên, chỉ cần bỏ công ra thu hái rồi mang về bán cho đầu mối. Công việc này chỉ diễn ra khoảng 2 tháng mùa mưa nhưng lại mang lại nguồn thu chính cho các hộ dân của xã Đắk Ha. Có ngày, lò thu mua được gần 2 tấn măng tươi”, bà này nói.

Măng le hay lồ ô là loại cây thuộc họ cây tre, mọc nhiều ở vùng gần sông, suối. Hiện nay, măng rừng khô được Đắk Nông xây dựng trở thành “thương hiệu” làm quà tặng trong việc phát triển kinh tế du lịch tại địa phương này.

Theo ngành kiểm lâm, đây là lâm sản phụ được phép thu hoạch, nên người dân được hái tự do. Để bảo vệ tài nguyên rừng, những năm qua, ngành kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân không chặt cây già và để lại một phần búp non để cây sinh sôi, phát triển, tạo nguồn lợi về lâu dài.