1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cuối năm, ứng viên có nguy cơ trượt tuyển dụng vì... nickname "trẻ trâu"

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều ứng viên có CV rất nét, nói rất hay, đầy tiềm năng, doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao để nhận vào. Nhưng có khi, họ lại mất cơ hội chỉ vì... một cái tên (nicknamne) trên mạng xã hội.

Trong quá trình tuyển dụng, chị Nguyễn Ngọc Hằng, trưởng phòng nhân sự tại một công ty phần mềm ở Q.3, TPHCM không ít lần bị "sốc" vì nickname của ứng viên. 

Từ những tên nickname có tính "trẻ mãi không lớn" như: Công chúa ngủ trong rừng, Cá mắm thơm, Hoa hồng gai, Ăn chơi không sợ mưa rơi... cho đến những cái nghe đến là lạnh gáy. 

Cuối năm, ứng viên có nguy cơ trượt tuyển dụng vì... nickname trẻ trâu - 1

Nhiều ứng viên đi xin việc có thể bị loại chỉ vì... một cái tên (Ảnh minh họa) 

Trường hợp chị nhớ nhất là một ứng viên tên Khoa tốt nghiệp chuyên ngành Marketing, CV rất ổn, hình thức được, trả lời phỏng vấn tốt. Sau khi gặp mặt, chị Hằng gần như xác định nhận cậu vào với mức lương rất khá. 

Hôm sau, chị Hằng báo với cậu Khoa gửi thêm một số thông tin qua email. Lúc này chị mới để ý và hết hồn nhìn tài khoản email của ứng viên với cái tên "Ketansat" (Kẻ tàn sát).

"Dù có phần tiếc nhưng cuối cùng tôi phải loại cậu ấy. Phân tích rạch ròi ra vì sao lại loại người ta vì một cái nickname thì cũng không biết nói sao. Nhưng mình đã  mất thiện cảm rồi thì rất khó để làm việc", chị Hằng chia sẻ thật tình. 

Cũng như Khoa, không ít ứng viên viên, nhất là sinh viên trẻ mới ra trường mang những nickname làm người đối diện e dè, sợ hãi đi xin việc. 

Anh Nguyễn Văn Trọng, quản lý tại công ty đá quý ở Phú Nhuận, TPHCM cho biết anh từng gặp những ứng viên, cả nữ có các tài khoản với tên là Sát thủ đầu bưng mủ, Quăng tao cái bom, Kẻ sát gái đăng cấp... Chỉ cần thấy vậy là là anh loại thẳng tay.

"Lúc này, các ưu điểm bằng cấp, trải nghiệm, hình thức, sự tự tin gì đó không còn giá trị. Ai tuyển những ứng viên đặt tên gọi như vậy vào làm chứ tôi thì không dám", anh Trọng bày tỏ. 

Theo anh Trọng, cái tên chưa chắc đã thể hiện chính xác về khả năng của nhân sự. Vậy nhưng, khi họ chọn một cái nickname cho mình, qua đó cũng phần nào phản ánh về con người của bạn, về quan điểm, cách nhìn, thái độ và khả năng cảm thụ về cái đẹp, về cuộc sống, về sự lành mạnh trong sức khỏe tinh thần của người đó. 

Anh Trọng phân tích: "Với chúng tôi, đây là yếu tố rất quan trọng bên cạnh vấn đề chuyên môn. Vào làm việc anh cần một trạng thái tâm lý tốt, sự vui vẻ, năng lượng, lành mạnh... góp phần cho môi trường tích cực của doanh nghiệp".

Bạn Phan Thu Hoài, 30 tuổi, làm tại phòng quan hệ khách hàng tại công ty quảng cáo Đ.V ở Bình Thạnh, cho biết, trước đây chị từng trải qua một thời gian rất khó xin việc. Dù cô có năng lực, nhanh nhẹn nhưng đi đâu cũng bị loại. 

Cuối năm, ứng viên có nguy cơ trượt tuyển dụng vì... nickname trẻ trâu - 2

Có nhiều yếu tố xung quanh để nhà tuyển dụng đánh giá về ứng viên ngoài bằng cấp, chuyên môn (Ảnh minh họa)

Mãi sau này, Hoài mới để ý mới biết tên tài khoản email lẫn tên Facebook của mình là "KeNhiNho" (Kẻ nhí nhố), cái tên gọi hồi nhỏ đã góp sức giúp cô đi đến đâu bị loại đến đó. 

Có lần, cô đặt xe công nghệ vào buổi tối, cậu lái xe nói: "Lúc đầu nhìn tên chị em không dám nhận cuốc, cứ nghĩ... tên nghiện nào đó. Đứng từ xa nhìn thấy nữ em mới dám lại đón chị đấy". 

Lúc này chị mới thật sự giật mình thấy sự cẩu thả, thiếu để ý của bản thân. Chị đổi tên thật và... công việc thăng hoa.

Chị Nguyễn Ngọc Hằng nêu quan điểm, có thể nhiều ứng viên dùng sẵn tài khoản từ hồi "trẻ trâu" đi học, chưa hẳn họ "có vấn đề" như nhà tuyển dụng suy nghĩ. 

Nhưng dù vậy, cũng cho thấy họ thiếu sự chuyên nghiệp, đầu tư, chăm chút khi đi xin việc nên có bị loại cũng không oan. Vì ngoài bằng cấp, khả năng chuyên môn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên qua nhiều thông tin liên quan, có khi những thứ hoàn toàn bên lề.