Ứng viên "hét" lương 20 triệu đồng, nhà tuyển dụng trả... gấp đôi

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhảy việc chỗ mới, Hùng chủ động đưa ra mức lương nhè nhẹ... tầm 1.000 USD. Sau khi xét hồ sơ, phỏng vấn, nhà tuyển dụng trả cho cậu mức lương gấp đôi.

Nguyễn Đức Hùng, 27 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TPHCM, chuyên giám sát kinh doanh. Cậu đã trải qua một số ngành nghề như siêu thị tiêu dùng, bất động sản. Là người thích khám phá, thử thách, mới đây, Hùng nộp hồ sơ xin việc sang một sàn thương mại điện tử có tiếng. 

Ứng viên hét lương 20 triệu đồng, nhà tuyển dụng trả... gấp đôi - 1

Nhiều ứng viên được doanh nghiệp trả mức lương cao hơn so với kỳ vọng (Ảnh minh họa)

Hồ sơ Hùng được duyệt, trải qua hai vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng có đề cập về mức lương mong muốn. Hùng thuộc tuýp người không câu nệ chuyện thu nhập mà tập trung vào tính chất và môi trường công việc. 

Cậu cũng thẳng thắn trả lời rằng không quá quan trọng chuyện thu nhập, nhất là mức khởi điểm. Hùng đưa ra con số  tầm 1.000 USD, thấp hơn mức lương chỗ cũ với suy nghĩ là người mới vào, chưa cống hiến được gì. 

Vài ngày sau, trưởng phòng nhân sự hẹn gặp Hùng trao đổi công việc. Đặc biệt, họ thông báo, lương của Hùng gấp đôi mức lương cậu đưa ra, trên 2.000 USD, chưa kể thu nhập từ hoa hồng, theo dự án.

Theo Hùng, doanh nghiệp trả theo đánh giá năng lực, kinh nghiệm của ứng viên. Ngoài ra, sự "xởi lởi" của doanh nghiệp cũng đặt áp lực với cậu cần nghiêm túc, làm việc hiệu quả ngay từ khi bắt tay vào làm việc. 

Trả lương cao, kỳ vọng nhiều giá trị hơn

Trong tuyển dụng, có khi doanh nghiệp phải "mặc cả", hãm mức lương khi ứng viên đưa ra con số quá cao. Nhưng ngược lại, dù nghe lạ đời nhưng không phải không có trường hợp, doanh nghiệp trả lương cao hơn so với đề xuất, mong muốn của ứng viên. 

Có ứng viên có tiềm năng, được đánh giá cao trên nhiều yếu tố như năng lực, thái độ, kinh nghiệm, dự dấn thân, tinh thần học hỏi... nhưng đề xuất mức lương thấp. Nhiều doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh con số này trên tinh thần hai bên cùng có lợi. 

Ứng viên hét lương 20 triệu đồng, nhà tuyển dụng trả... gấp đôi - 2

Nhiều ứng viên trẻ thường lúng túng trong thương lượng mức lương (Ảnh minh họa)

Trong buổi trao đổi về nhân sự mới đây, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Việt Nam - Phần Lan chia sẻ có những ứng viên, bà trao đổi 2 - 3 giờ đồng hồ dù chưa biết họ có vào làm hay không. 

Qua đó, mình có thể nhìn ra giá trị của ứng viên, hỗ trợ họ phát huy những điểm mạnh trong môi trường làm việc như thế nào. 

Bà cũng gặp trường hợp, có người kỳ vọng mức lương rất cao, mình phải thương lượng con số thấp hơn. 

"Nhưng có những em, mình thừa nhận rất tiềm năng, rất tốt nhưng lại đưa mức lương thấp. Tôi nói luôn: Với em, chúng tôi có thể trả mức lương gấp đôi như vậy", bà Huyền kể. 

TS Thu Huyền cho hay, khi nhà tuyển dụng trả mức lương cao hơn nghĩa là kỳ vọng vào ứng viên sẽ cao hơn. Họ đánh giá ứng viên giỏi và muốn ứng viên thể hiện giá trị của mình. 

Với trường hợp ứng viên, nhất là những bạn trẻ nếu gặp khó khăn khi đề xuất ra mức lương, giám đốc điều hành một công ty vàng bạc ở TPHCM cho biết, ứng viên hoàn toàn có thể chủ động hỏi lại nhà tuyển dụng: Ở vị trí này, doanh nghiệp có thể trả mức lương trong khoảng nào để mình đưa ra một con số thích hợp nhất.

Phía nhà tuyển dụng cũng cần nhanh nhạy để điều chỉnh mức lương phù hợp điều kiện của doanh nghiệp, với khả năng, giá trị của ứng viên. Ứng viên không thấy bị "hớ", thiệt thòi về thu nhập cũng là một trong những yếu tố để họ dốc sức, gắn bó. 

Tuy nhiên, thu nhập có thể là yếu tố ban đầu để thu hút nhân sự nhưng để giữ người tài thì không chỉ phụ thuộc vào thu nhập. Nhiều người sẵn sàng bỏ thu nhập cao để ra đi khi xét đến các yếu tố như môi trường làm việc, sự gắn kết, cơ hội phát triển...