1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người xin việc tự... "rao" mình, tuyển doanh nghiệp

Hoài Nam

(Dân trí) - Thay vì bị động chờ nơi tuyển dụng, ngày càng nhiều ứng viên chủ động tự "rao" mình, đi tuyển... doanh nghiệp.

"Rao bán" bản thân 

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, có 2 năm kinh nghiệm, nhưng Nguyễn Văn Đại, 26 tuổi, ở Q.8, TPHCM mất nửa năm đi gửi hồ sơ, dự phỏng vấn một số nơi nhưng không có kết quả. Nơi thì rớt, nơi cậu không ưng ý. 

Sau đó, Đại chọn cách tự "rao bán" mình trên trang cá nhân và các diễn đàn xin việc. 

Không cần đăng tải CV dài dằng dặc, Đại ngắn gọn giới thiệu về kinh nghiệm, khả năng, ưu điểm của bản thân. Bên cạnh đó, anh bày tỏ nhu cầu tìm việc đúng chuyên môn, đưa ra địa điểm, mức lương... 

Người xin việc tự... rao mình, tuyển doanh nghiệp - 1

Nhiều người tìm việc chủ động "rao bán" mình để xin việc 

Sau vài ngày, hàng loạt công ty có nhu cầu tuyển dụng tìm đến Đại. Anh sàng lọc một vài nơi phù hợp nhất, liên hệ gửi hồ sơ.  Mới đây, anh nhận việc tại một doanh nghiệp đúng với chuyên ngành, mức lương đưa ra. 

Thay vì bị động chờ nơi tuyển dụng, ngày càng nhiều ứng viên chủ động tự "rao bán mình" như Đại. Trên các diễn đàn việc làm, không chỉ các doanh nghiệp cần tuyển người đăng tin tuyển dụng mà phải nói người lao động "tự quảng cáo" bản thân để kiếm việc cũng rầm rộ. 

Với những ứng viên trong lĩnh vực có nhu cầu cao, có kinh nghiệm liên tục nhận được các phản hồi từ các các đơn vị tuyển dụng. Các công ty gửi mô tổ công việc sang cho ứng viên để người tìm việc cân nhắc. 

Cũng kiếm được công việc ứng ý nhờ kêu lên "tôi ở đây", bạn Nguyễn Thị Thủy ngụ tại Q. Thủ Đức, TPHCM cho biết, người lao động chủ động "rao mình" có rất nhiều lợi thế. 

Khi tự "rao", cô nhấn mạnh về ưu thế, hạn chế của bản thân. Mong muốn về môi trường, vị trí làm việc, mức lương. Thủy nói về kinh nghiệm làm việc trong khả năng tiếp cận khách hàng, hạn chế là không đi công tác xa.

"Cụ thể, tôi cũng nói rõ không "tiếp" các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm và bất động sản. Nơi làm việc là ở Q. Thủ Đức, Bình Thạnh, Q.2 hoặc Bình Dương giáp TPHCM, mức lương khởi điểm là 12 triệu đồng...", Thủy kể.

Các công ty đáp ứng các "tiêu chí" này liên lạc, Thủy chọn ra những nơi phù hợp nhất. Cô tìm hiểu kỹ về công việc, phản hồi rồi chính mình chủ động hẹn lịch phỏng vấn. 

Ngồi nhà "tuyển" doanh nghiệp  

Từ kinh nghiệm "rao mình" kiếm việc, Nguyễn Văn Đại bày tỏ, không phải trầy trật chạy theo nhà tuyển dụng, giờ đây, ứng viên ngồi ở nhà cũng có thể... tuyển doanh nghiệp. 

Bây giờ không còn chuyện tuyển dụng 1 chiều, khi ứng viên chủ động, họ cũng có thể "kén" doanh nghiệp, chọn lọc ngay từ đầu.

Với cách tuyển dụng truyền thống, doanh nghiệp cần người đăng tin, ứng viên nộp hồ sơ, có khi vào làm mới biết cụ thể về công việc, mức lương... Khi đó, không hài lòng nghỉ việc rất mất thời gian, công sức của hai bên. 

Người xin việc tự... rao mình, tuyển doanh nghiệp - 2

Khi ứng viên chủ động, hai bên đỡ làm mất thời gian của nhau trong quá trình tuyển dụng (Ảnh minh họa)

Còn khi ứng viên chủ động, họ đã nêu rõ các yêu cầu, hạn chế của bản thân từ trước. Có ứng viên nói rõ mình hạn chế về sức khỏe, không đi tỉnh, hạn chế về hình thức hay cần đào tạo thêm... để không gây thất vọng cho nhau. 

Doanh nghiệp cũng hiểu ứng viên hơn, ứng viên cũng chọn lọc kỹ dễ tiếp cận công việc đúng chuyên môn, đúng mong muốn nên hạn chế được tình trạng "mới gặp đã chia tay".

"Có doanh nghiệp phù hợp với mọi yêu cầu, mong muốn của mình. Nhưng bộ phận nhân sự liên lạc rất cẩu thả, sơ sài, thiếu chuyên nghiệp... tôi "loại" luôn, chọn nơi khác", anh Trần Đình Dũng, ứng viên tìm việc ở Phú Nhuận, TPHCM.

Ông Nguyễn Bình Minh, quản lý một doanh nghiệp về xuất nhập khẩu ở TPHCM đánh giá cao việc ứng viên tự "rao mình", cho thấy sự chủ động, linh hoạt. 

Việc này cũng giúp các doanh nghiệp chủ động tiếp cận với những ứng viên tiềm năng chứ không phải phụ thuộc vào thông tin đăng tuyển, hồ sơ gửi đến. 

Đặc biệt, khi đó ứng viên cũng có thể "chê" doanh nghiệp. Họ sẽ bỏ qua những doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, thiếu chế độ đãi ngộ, thiếu cơ hội phát triển... 

Ông Bình nhấn mạnh, ứng viên cần "bán mình" một cách chuyên nghiệp qua bài giới thiệu, đặc biệt cần sự trung thực, đánh giá khách quan về năng lực của bản thân, tránh ba hoa, chém gió...

"Khi ứng viên có thể "kén" doanh nghiệp, đòi hỏi nhà tuyển dụng cũng phải hoàn thiện mình thì mới được nhân sự chấp nhận.

Người xin việc không còn ở thế yếu với doanh nghiệp mà đây là quan hệ bình đẳng, hợp tác hai bên cùng có lợi", ông Nguyễn Bình Minh nêu quan điểm.