1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cuộc di cư lao động lịch sử: Cơ hội nào cho người "chạy" dịch, về quê?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Gần 20.000 lao động Nghệ An trở về quê trong một cuộc di cư lịch sử, "chạy giặc" Covid-19. Giải quyết việc làm cho những nguời hồi hương đang là bài toán khó đối với các địa phương lúc này.

Áp lực từ lao động ồ ạt hồi hương

Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (cuối 4/2021) tới nay, đã có khoảng 78.000 người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành có dịch trở về quê. Trong đó, gần 20.000 người trong độ tuổi lao động bị mất, giãn việc do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Cơ hội nào cho người chạy dịch, về quê? - 1

Đã có gần 20.000 lao động làm việc ngoại tỉnh trở về Nghệ An tránh dịch Covid-19.

Riêng huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), từ cuối tháng 4/2021 tới nay, đã có hơn 4.000 lao động trở về từ các vùng có dịch, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. 

Là huyện miền núi, điều kiện địa hình khó khăn, đời sống dân sinh thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn thấp thì "xuất khẩu" lao động đi các tỉnh, thành là một trong những hướng thoát nghèo mà Kỳ Sơn đã và đang thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, hầu hết lao động của Kỳ Sơn là lao động phổ thông, trình độ tay nghề không cao.

"Số lao động trở về, bên cạnh việc tạo ra nhiều áp lực trong vấn đề giải quyết việc làm còn đặt ra nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an ninh biên giới, an ninh rừng và phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy và mua bán người trên địa bàn", ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Kỳ Sơn cho hay. 

Cuộc di cư lao động lịch sử: Cơ hội nào cho người chạy dịch, về quê? - 2

Cán bộ chính sách xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cung cấp thông tin tuyển dụng cho lao động.

Giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ cốt lõi để đảm bảo các mục tiêu trên. Thế nhưng với một huyện nghèo, không có một khu, cụm công nghiệp nào, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì tạo việc làm tại chỗ cho lao động hồi hương là điều cực kỳ khó khăn với huyện biên giới này.

Tại huyện biên giới Quế Phong, thống kê sơ bộ có hơn 2.000 lao động từ các vùng có dịch trở về. Phần lớn trong số họ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ tay nghề chưa cao. Thách thức không nhỏ đang đặt ra với lãnh đạo huyện trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho số lao động này.

"Trước mắt, huyện vận động các công trình xây dựng giao thông trên địa bàn ưu tiên sử dụng lao động trở về tránh dịch nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu việc làm", ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay.

Đây cũng là tình trạng của huyện Quế Phong, với hơn 2.000 lao động trở về quê trong 6 tháng qua. Địa phương này vẫn xác định, đưa lao động đi làm việc ở các tỉnh, thành trong nước là giải pháp giải quyết việc làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội cũng như trình độ lao động.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Cơ hội nào cho người chạy dịch, về quê? - 3

Bà Phan Thị An - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành: "Lao động di cư về quê vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các địa phương".

"Chúng tôi đang rà soát, thống kê doanh nghiệp các lao động làm việc trước khi về quê. Khi tình hình dịch được kiểm soát, huyện sẽ đề xuất với tỉnh có cơ chế đưa lao động trở lại công ty cũ làm việc. Bằng cách này, doanh nghiệp không phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại, trong khi đó, người lao động có công việc và thu nhập ổn định như trước khi dịch xảy ra", ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ. 

Cơ hội việc làm rộng mở

Hiện các địa phương trong tỉnh Nghệ An tùy thuộc vào điều kiện thực tế cũng như năng lực, trình độ của người lao động để đưa ra các kế hoạch cụ thể trong vấn đề giải quyết việc làm cho số lao động hồi hương.

Cùng với thống kê, rà soát nhu cầu việc làm, các huyện miền núi cao như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... đang phối hợp các trung tâm, đơn vị mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động và nâng cao tay nghề cho người lao động. Các địa phương cũng triển khai nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo, phát triển các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với giao đất, giao rừng, trồng và nuôi cây, con đặc sản, phát triển du lịch cộng đồng... để người dân sớm có sinh kế, ổn định cuộc sống khi trở về. 

Cuộc di cư lao động lịch sử: Cơ hội nào cho người chạy dịch, về quê? - 4

Ông Lê Hải Dương - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An: "Hiện dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, nhiều địa phương bước vào khôi phục sản xuất, do đó nhu cầu lao động tăng cao".

Tại huyện Yên Thành, theo thống kê sơ bộ có khoảng 3.500 lao động đã về quê tránh dịch. Hiện địa phương này đang yêu cầu các xã, thị trấn thống kê, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng xin việc, ở lại của người lao động để có hướng giải quyết phù hợp.

Bà Phan Thị An - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành cho biết: "Trên địa bàn huyện hiện có một số nhà máy mới xây dựng hay mở rộng quy mô sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động. Đây là cơ hội việc làm cho một số lượng lao động vừa trở về từ vùng có dịch. Mặt khác, ở khía cạnh tích cực, số lao động trở về là những người có tay nghề, có kinh nghiệm bổ sung cho các nhà máy trên địa bàn và là lực lượng dồi dào để thực hiện tuyển thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian tới". 

Giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các vùng có dịch là nhiệm vụ trọng tâm được Sở LĐ-TB&XH Nghệ An giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh này. Theo ông Lê Hải Dương - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, đơn vị đang khảo sát thông tin thị trường lao động để có giải pháp kết nối cung - cầu thời gian tới.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Cơ hội nào cho người chạy dịch, về quê? - 5

Theo khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, các doanh nghiệp nội tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 15.000 vị trí việc làm với mức lương từ 6-12 triệu đồng (Ảnh: M.A).

"Khảo sát 84 doanh nghiệp cho thấy có trên 29.000 vị trí việc làm mới, trong đó 57 doanh nghiệp nội tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 15.300 lao động, mức lương từ 6-12 triệu đồng.

Hiện dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, nhiều địa phương bước vào khôi phục sản xuất, do đó nhu cầu lao động tăng cao. Đây là cơ hội cho người lao động hồi hương tránh dịch có nhu cầu ở lại quê hương làm việc, cũng là cơ hội của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội tỉnh trong việc lựa chọn những lao động có tay nghề và kinh nghiệm, giảm thời gian và chi phí đào tạo ban đầu", ông Lê Hải Dương đánh giá về cơ hội việc làm cho người lao động hồi hương tránh dịch. 

Tuy nhiên, kết nối cung - cầu lao động và giữ chân lao động vẫn là thách thức của thị trường với hơn 1,9 triệu người trong độ tuổi lao động như Nghệ An hiện nay.

(Còn tiếp)