Cuộc di cư lao động lịch sử: "Sợ lắm những nguy hiểm, bất trắc..."

Hoàng Lam

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc di cư lao động đã diễn ra trên diện rộng, trong đó có tỉnh Nghệ An. Giải quyết việc làm cho số lao động này đang là bài toán khó đối với chính quyền sở tại.

4 con người ròng rã ngàn cây số trên chiếc xe máy

Theo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, trước thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, có trên 120.000 lao động địa phương này đi làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành trong cả nước. Người lao động chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do. Trong đó,  công nhân tại TPHCM chiếm số lượng lớn nhất, với gần 49.500 người, tiếp đó là Bình Dương hơn 26.000 người, Bắc Ninh khoảng 14.000 người...

Cuộc di cư lao động lịch sử: Sợ lắm những nguy hiểm, bất trắc... - 1

Đã có gần 78.000 người dân Nghệ An, trong đó có khoảng 20.000 công nhân làm việc ở các tỉnh, thành trong cả nước về quê tránh dịch.

Đi làm việc ở các tỉnh, thành trên cả nước là một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo mà nhiều lao động tại Nghệ An lựa chọn. Với khoảng cách từ vài trăm đến khoảng 1.500 cây số, những cuộc "di cư" lao động trước đây thường diễn ra vào dịp cuối năm, sát Tết Nguyên đán và sau Rằm Tháng Giêng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đảo lộn cuộc di cư thường niên này.

Những cuộc hồi hương diễn ra rải rác từ tháng 4 và trở nên cấp tập vào khoảng giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/2021, khi dịch bùng phát mạnh và loang rộng ở 21 tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là TPHCM và Bình Dương. Nỗi ám ảnh dịch bệnh, áp lực lớn về cơm áo khi mất việc làm khiến những phận lao động nghèo bất chấp hiểm nguy, vượt hành trình cả nghìn cây số mong tìm sự bình yên tại quê nhà.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Sợ lắm những nguy hiểm, bất trắc... - 2

Với nhiều lao động ở các tỉnh phía Nam, hành trình hồi hương trên những chiếc xe máy bất chấp hiểm nguy vượt cả nghìn cây số là nỗi ám ảnh.

Vợ chồng Xồng Bá Xia (SN 1997) và Lầu Y De (SN 2000), trú bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An cùng vợ chồng người em trai Xồng Bá Xò và 2 cô em gái rời quê nhà vào Bình Dương làm việc từ đầu năm 2021. Vào thời điểm đó, con đầu của De mới hơn 3 tuổi, đứa út hơn 1 tuổi. Cả 6 người làm việc tại một nhà máy sản xuất nhựa với mức lương từ 6-8 triệu đồng tùy vị trí.

"Hai vợ chồng tổng thu nhập 11-12 triệu đồng/tháng. Tiền gửi trẻ 2 con hết 4 triệu đồng, rồi tiền trọ, tiền ăn uống… chi tiêu, tằn tiện lắm mới đủ nhưng dù sao vẫn hơn làm nương rẫy ở nhà", Lầu Y De chia sẻ.

Dịch bùng phát, công ty tạm dừng hoạt động, hai vợ chồng chỉ ở nhà trông con. Xem ti vi thấy số ca mắc Covid-19 tại Bình Dương tăng thêm từng ngày, hai vợ chồng bàn nhau trở về quê khi chỉ còn vỏn vẹn 2 triệu đồng trong túi.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Sợ lắm những nguy hiểm, bất trắc... - 3

Vợ chồng Xồng Bá Xò, Già Y Tránh (quê Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An) cùng cậu con trai gần 10 ngày tuổi đi xe máy từ Bình Dương về quê nhà. Khi đi đến Đà Nẵng, may mắn, vợ chồng Xò và cháu bé được một nhóm thiện nguyện hỗ trợ đưa về Nghệ An.

Thời điểm này xe cộ khó khăn nên vợ chồng Lầu Y De quyết định chạy xe máy về Nghệ An. Người em dâu mới sinh chưa đầy chục ngày cũng nhập đoàn người rồng rắn hồi hương bằng xe máy. Hai cô em chồng do không có xe nên phải ở lại.

Cuộc hồi hương mà mỗi khi nhắc lại, Lầu Y De vẫn thấy ám ảnh. "Chồng cầm lái, đứa lớn ngồi giữa, tôi ngồi sau bế đứa nhỏ, phải lấy tấm vải buộc vào người. Mưa, gió quất vào mặt, chạy cả ngày cả đêm, lưng, tay tôi mỏi nhừ, tê cứng, khi nào mệt quá chỉ dám dừng lại nghỉ một lúc, cho con ăn tạm cái bánh, đi vệ sinh rồi lại lên đường.

Sợ lắm, sợ nguy hiểm, sợ bất trắc, sợ xe cộ hư hỏng dọc đường không có chỗ trú thân nhưng sợ "con cô vít" hơn nên hai vợ chồng cứ phải động viên nhau cố gắng để không bị lạc đoàn", Lầu Y De kể.

Vợ chồng người em trai may mắn được một nhóm thiện nguyện hỗ trợ đưa về bằng ô tô khi đến Đà Nẵng. Còn vợ chồng, con cái De ròng rã 3 ngày 3 đêm không nghỉ mới đặt chân về quê nhà. Và không phải ai cũng may mắn trở về quê hương an toàn như vợ chồng cô...

Sau bình yên là nỗi lo 

Suốt 3 tháng nay, kể từ khi về quê tránh dịch, hai vợ chồng Phan Văn Sơn (SN 1991), chị Thái Thị Tuyền (SN 1996, trú xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng dần quen với công việc đồng áng vốn tưởng đã "thoát" từ gần chục năm nay.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Sợ lắm những nguy hiểm, bất trắc... - 4

Trở về quê tránh dịch, hơn 3 tháng nay vợ chồng anh Phan Văn Sơn ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng.

Anh Sơn vào miền Nam làm công nhân cho một công ty chuyên về may mặc, quen với chị Tuyền, vốn là đồng hương. Năm 2019, hai người nên duyên vợ chồng nên quyết định trở về quê lập nghiệp, sinh con đẻ cái.

Thoát ly nông nghiệp từ lâu, việc phát triển kinh tế tại quê nhà khó khăn, lại muộn đường con cái nên đầu năm 2021, vợ chồng anh Sơn quyết định ra Bắc Ninh làm công nhân.

Hai vợ chồng làm việc tại hai nhà máy điện tử khác nhau tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, thuê một căn phòng trọ 1 triệu đồng/tháng, tằn tiện mọi chi tiêu để tích lũy tiền thuốc thang mong sớm có con. 

"Từ khoảng tháng 4, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giảm dần, công nhân phải làm việc luân phiên, có khi một tuần nghỉ, một tuần làm, có khi làm một tuần nghỉ 2 tuần. Không có việc làm thường xuyên, thu nhập giảm sút, tiền tiết kiệm cũng phải đưa ra tiêu, rồi tiền thuốc thang chạy chữa hiếm muộn nữa. Vừa sợ dịch, vừa cạn tiền, tháng 6 hai vợ chồng quyết định về quê", chị Tuyền kể.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Sợ lắm những nguy hiểm, bất trắc... - 5

Anh Nguyễn Hồ Ngọ chưa thể có kế hoạch gì cho tương lai sau chuyến hồi hương tránh dịch của mình.

Lúc dịch bùng phát, về quê là suy nghĩ đầu tiên của những lao động này bởi về quê, nghĩa là về với bình yên, có bố mẹ, có người thân. Nỗi sợ hãi dịch bệnh khiến họ không có lựa chọn khác, mặc dù trở về quê sẽ kéo theo nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập, đảm bảo các điều kiện sống…

Trở về từ Bình Dương, hoàn thành thời gian cách ly theo quy định, cả tháng trời nay anh Nguyễn Hồ Ngọ (SN 1990) cũng chỉ biết ở trong nhà. Hỏi kế hoạch sắp tới, người đàn ông này không tránh được những lo âu. "Lúc dịch bùng phát, chỉ nghĩ là về thôi nhưng về rồi làm gì để sống cũng chưa biết được, chắc đợi hết dịch rồi tính", anh Ngọ nói.

Thống kê của ngành chức năng, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (cuối 4/2021) tới nay, đã có khoảng 78.000 người Nghệ An làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành có dịch trở về quê. Trong đó, gần 20.000 người trong độ tuổi lao động bị mất, giãn việc do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cuộc di cư lao động lịch sử: Sợ lắm những nguy hiểm, bất trắc... - 6

Lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.

"Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có gần 10.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An với trên 140 tỷ đồng. Số thất nghiệp tăng lên đáng kể, số lao động bị mất việc làm, ngừng việc, giãn việc do dịch Covid-19 rất là cao", ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An thông tin.

Tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội đang là một bài toán khó, đặt ra nhiều thách thức đối với địa phương và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An.

(Còn tiếp).