Lương 5 triệu đồng ở quê mừng hơn nhận 8 triệu ở TPHCM

Công Bính

(Dân trí) - Làm công nhân ở TPHCM, chị Ánh nhận lương 8 triệu đồng/tháng. Về Quảng Nam tránh dịch, sớm tìm được việc mới lương 5 triệu đồng, chị Ánh "mừng rơn" vì chi phí sinh hoạt ở quê ít hơn...

"Mừng rơn" tìm được việc gần nhà khi từ TPHCM về quê tránh dịch

Chị Lê Thị Nguyệt Ánh (sinh năm 1983, trú phường An Xuân, TP Tam Kỳ) trước đây làm công nhân may ở TPHCM. Đợt dịch vừa qua, chị cùng gia đình về quê tránh dịch. Sau khi hết thời gian cách ly, chị đến Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam nộp hồ sơ xin việc làm mới.

Không lâu sau khi nộp hồ sơ, chị Ánh được một công ty may ở Khu công nghiệp Tam Thăng (TP Tam Kỳ) gọi phỏng vấn và đầu tháng 9 này, chị đi làm trở lại.

Chị Ánh cho biết, trước đây khi làm công nhân ở TPHCM, thu nhập của chị mỗi tháng được khoảng 8 triệu đồng. Khi dịch bùng phát, công ty không có việc làm nên chị cùng gia đình về quê tránh dịch.

Dù có việc làm ở công ty mới với mức thu nhập gần 5 triệu đồng nhưng chị rất vui khi về quê đã có việc làm ngay.

"Lúc công ty gọi đi nhận việc, tôi mừng rơn trong bụng. Mức lương không bằng khi làm ở TPHCM nhưng về quê thì chi phí sinh hoạt cũng ít hơn, nên tôi thấy ban đầu có lương  như vậy là tạm ổn, còn hơn không làm ra được đồng nào, trong  khi chẳng còn mấy tiền dành dụm để sống", chị Ánh chia sẻ.

Lương 5 triệu đồng ở quê mừng hơn nhận 8 triệu ở TPHCM - 1

Lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam để được tư vấn, tìm kiếm việc làm.

Còn anh Nguyễn Phước Kỳ (SN 1994, trú xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ) trước đây làm nhân viên văn phòng tại một công ty bất động sản ở TPHCM. Dịch Covid-19 bùng phát, Kỳ về quê tránh dịch.

Sau một tháng cách ly tập trung và ở nhà, cuối tháng 8, anh Kỳ đến Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam nộp hồ sơ với hy vọng có việc làm mới.

Đến đầu tháng 9 này, Kỳ được một công ty về mua bán, sửa chữa máy tính ở đường Hùng Vương (TP Tam Kỳ) gọi phỏng vấn và đi làm trở lại.

Kỳ chia sẻ, thu nhập cơ bản khi làm ở TPHCM được 6,5 triệu đồng. Khi dịch bùng phát, công ty không có việc làm, Kỳ nghỉ việc và làm nhiều nghề để sinh sống, trong đó có chạy xe ôm.

"Khi về quê để tìm việc làm, tôi cảm thấy may mắn có được việc làm mới sau khi nộp hồ sơ trong khoảng thời gian ngắn. Tôi cũng quyết ý ở lại quê nhà để làm việc. Tiền lương không bằng khi làm ở TPHCM nhưng làm việc gần nhà, được "cơm mẹ nấu". Ai tha hương mưu sinh sẽ hiểu cảm giác này", Kỳ chia sẻ.

Nỗ lực tạo việc làm mới 

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam (Trung tâm) cho biết, 9 tháng đầu năm, Trung tâm đã nỗ lực tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ, tạo nguồn cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng…

Theo đó, Trung tâm đã tổ chức 17/20 phiên giao dịch việc làm với 208 lượt doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng bình quân khoảng 5.000 chỗ làm trống/phiên. Số người đến tìm hiểu thông tin và đăng ký 1.168 lượt người; số người đăng ký tìm việc làm, liên kết học nghề, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 804 lượt người.

Trong đó, số người đăng ký tìm việc làm 785 lượt người, gồm chờ việc 291 lượt người, giới thiệu đến doanh nghiệp phỏng vấn 494 lượt người; đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 17 lượt người; đăng ký hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ 2 lượt người.

Tính từ đầu năm đến nay, có gần 48 nghìn lượt lao động được tư vấn với nhiều hình thức: tư vấn thường xuyên, tư vấn tại sàn và tư vấn địa phương cho những người lao động thất nghiệp, lao động từ vùng dịch trở về…

Ngoài ra, Trung tâm phối hợp tổ chức 2 đợt tư vấn cho học sinh khối lớp 12 trường THPT Hiệp Đức và bộ đội xuất ngũ tại Thành đội Tam Kỳ; phối hợp làm việc với UBND xã Trà Giác (huyện Bắc Trà My) để hỗ trợ công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề và tư vấn cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại 4 thôn của xã…

Lương 5 triệu đồng ở quê mừng hơn nhận 8 triệu ở TPHCM - 2

Tỉnh Quảng Nam làm việc với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam về kết quả thực hiện công tác trong 9 tháng đầu năm 2021.

"Chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động được giải quyết kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là điểm sáng trong lúc dịch bệnh, người lao động gặp rất nhiều khó khăn", ông Võ Văn Dũng nói.

Tại buổi làm việc ngày 14/9 với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Trung tâm đề nghị UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, các Sở, ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện triển khai các nội dung về dịch vụ việc làm trên ứng dụng Smart Quảng Nam nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới.

Ngoài ra, đầu tư hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất để Trung tâm thực hiện tốt hoạt động Sàn giao dịch việc làm online kết nối việc làm cho người lao động; sớm phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực của Trung tâm trong công tác tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm, định hướng chuyển dịch lao động cho người lao động của tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, Trung tâm tập trung giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động về từ các tỉnh, thành phố có dịch.

"Cần kết nối chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan có nhu cầu sử dụng lao động để hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chỉ đạo